[Dear 22] #1. [Phỏng vấn] Sinh viên và định hướng sau đại học #2. Từ hôm nay, em sẽ thôi nhìn đời qua lăng kính vạn hoa #3. Bạn đang ở đâu trên nấc thang tuổi trẻ? #4. Giấc mơ thuở ấy, bạn còn nhớ không? #5. Và đường đời đã ở trước mắt rồi… #CVSeries Như thế nào là một template CV chuẩn? |
Thú thật đi, đã bao lần bạn tự tin rằng chỉ cần cầm tấm bằng đỏ trên tay là cơ hội việc làm ăn ngay phần chắc?
Nếu thực sự có bao giờ bạn nghĩ như thế thì… Xin chia buồn, bạn đã quá ngây thơ rồi. Không tin thì hãy đọc tiếp nhé.
NHỮNG CON SỐ “KÊU GÀO”…
- #1 là vị trí Việt Nam khi xét về tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp đại học tương ứng với 17% (Theo Bloomberg).
- 1.120.000 người là số lượng người thất nghiệp vào Quý II/2017 (tổng cục thống kê Việt Nam).
- 51,3% chính là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15 – 24 tuổi trong tổng số thất nghiệp.
- 12/100 là con số nói lên thực tế cứ 100 thanh niên trong lực lượng lao động ở khu vực thành thị thì lại có 12 người thất nghiệp.
- Và con số oái ăm nhất lộ diện…
200.000 – số lượng người thất nghiệp có bằng cử nhân tăng lên trong khoảng 2016 – 2017.
Tất cả những con số ấy đều “đồng lòng” khắc họa hiện thực tàn khốc duy nhất, rằng dù sinh viên ra trường với tấm bằng đỏ chói trên tay thì họ vẫn sẽ phải đối diện với nguy cơ thất nghiệp – một vấn đề mà ở đây, tôi xin phép được đặt tên là “2 – 0.” (Xin chớ vội hiểu nhầm là tỷ số bóng đá nhé!)
KHÔNG THU NHẬP
Bingo! Chính xác là cái bạn đang nghĩ đấy – Tiền! Bạn còn nhớ không bài thơ mà chúng ta vẫn thường ngâm nga vui vui ngày thơ bé, rằng:
“Tiền là nụ cười của tuổi trẻ
Tiền là sức khỏe của tuổi già…”
Có lẽ chẳng đứa trẻ nào thấu hết được thâm ý của bài thơ ấy, cho đến khi đứa trẻ ấy dần lớn lên và đứng giữa bước ngoặt cuộc đời. Trưởng thành rồi, con người ta mới thấu hết được giá trị của đồng tiền: là từng miếng cơm manh áo, là những tờ hóa đơn đều đặn mỗi kỳ, là phụng dưỡng mẹ già cha yếu, là thước đo cho mẹ cha yên lòng…
Thời gian vô tình trôi, đồng tiền từng không là gì thuở thơ ấu nay hiện diện trong từng ngõ nhỏ của cuộc đời. Khi ta 22 cũng là khi ta trầy trụa vì đồng tiền, vì vật chất – những thứ tưởng chừng như phù phiếm nhưng lại nhuốm đậm sắc “đời”.
Quan trọng là thế nên khi thất nghiệp, mất đi đồng tiền, ta lại phải quay về “ăn bám” đấng sinh thành. Bởi lẽ “Không có tiền thì cạp đất mà ăn à?” (Ngọc Trinh). Tuổi 22 vì thế mà xem như khuyết đi một nửa rồi!
KHÔNG ĐỊA VỊ
Mỗi con người sinh ra đều đi tìm cho mình một ý nghĩa tồn tại – mà thực tế nhất chính là vị thế bản thân trong xã hội.
Vị thế là thứ tuổi trẻ phải đánh đổi thời gian và sức lực để có được, để có thể ngẩng cao đầu tự hào, để có thể nở mặt mày mẹ cha, để khẳng định mục đích tồn tại của chính mình.
Nhưng cái đau xót nhất, chính là đến cả cái quyền để tự hào về bản thân mình cũng không có. Trong khi chúng bạn đã đạt được giải này giải nọ, vô vàn chứng chỉ chuyên môn hay vào làm những tập đoàn danh giá, thì ta vẫn ngồi đây, “mài mông” trên ghế giảng đường đại học và mông lung về tương lai. Tuổi 22 vì thế chết trong lòng ít nhiều.
KẾT
Thất nghiệp là gì? Là “2-0” – Double Zero.
- Là ngưỡng mộ pha lẫn ghen tỵ với thành công của những người đồng trang lứa.
- Là mệt mỏi, buồn chán, mông lung về con đường chông gai trước mắt.
- Là tự ti, thất vọng và thậm chí chán ghét bản thân mình.
- Là yếu lòng, tội lỗi khi nhìn mặt mẹ cha ngày càng già đi.
- Là xấu hổ, tủi nhục khi đối diện họ hàng, người quen.
- Và cuối cùng, là nóng lòng, sốt ruột tìm thấy nghề nghiệp ưng ý – mà đôi khi, không ưng ý cũng chẳng sao bởi đã đến lúc phải xuống nước cam chịu rồi?
Sẽ chẳng sai đâu nếu lòng ta bỏng cháy những cung bậc cảm xúc ấy quyện hòa, nhưng sẽ sai (và sai rất TO!) nếu như ta chẳng nhìn lại bản thân ta để tìm ra lối đi đúng. Bởi lẽ…
Tuổi 22 không phải là thỏa hiệp mà là phá tung lồng an toàn của bản thân, không phải cam chịu mà là chiến đấu với chính mình. Không phải không có mà là CHƯA TÌM THẤY con đường ấy.
Tuổi 22 là khi ta gấp gáp nhất, nhưng cũng là khi ta có nhiều thời gian để thực hiện nhiều phép thử nhất!
“Làm thế nào? Hãy nói cho tôi biết đi.” Suỵt, câu trả lời nằm ở các bài sau. : )
#Dear22
Discussion about this post