Sinh viên kinh tế đi làm Freelancer đã không còn là câu chuyện quá xa lạ với tất cả mọi người. Trong Phần 1 của chuỗi bài viết về Freelancer, bạn đã có được cái nhìn tổng quan về hướng đi Freelancer dành cho sinh viên kinh tế, cũng như những điều bạn cần chuẩn bị khi muốn trở thành một Freelancer. Tuy vậy, để trở thành một Freelancer từ khi còn là sinh viên và được trải nghiệm những công việc giúp mình định hướng nghề nghiệp không phải là một điều dễ dàng. Vậy phải làm sao để các bạn sinh viên kinh tế dễ dàng chinh phục công việc Freelance mà mình mong muốn?
Bước 1: Chọn ngành nghề và công việc Freelancer mà bạn muốn trải nghiệm
Như đã đề cập đến trong Phần 1 của bài viết, là một sinh viên kinh tế, bạn có rất nhiều ngành nghề khác nhau để trải nghiệm khi lựa chọn đi theo con đường Freelancer. Các ngách công việc tiềm năng sẽ bao gồm: sales, digital marketing, thiết kế và chỉnh sửa, sales, quản trị nhân sự… Tùy theo tính chất công việc của mỗi lĩnh vực, nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu ở bạn những kiến thức, kỹ năng và trình độ khác nhau. Chính vì vậy, các bạn sinh viên kinh tế nên lựa chọn trước ngành nghề hoặc công việc mà mình muốn trải nghiệm để có thể xây dựng Profile Freelancer hoàn hảo dễ dàng hơn.
Bước 2: Xây dựng Profile chuyên nghiệp thu hút nhà tuyển dụng
Hãy tưởng tượng cách bạn sử dụng những nền tảng tìm việc Freelancer giống như những ứng dụng hẹn hò, còn bạn và nhà tuyển dụng giống như những người cô đơn đang đi tìm nửa kia phù hợp của mình giữa hàng nghìn đối tác trên mạng xã hội đó. Tương tự như cách hoạt động của các ứng dụng này, nhà tuyển dụng sẽ quyết định có “ghép đôi” bạn hay không dựa trên những ấn tượng ban đầu – đó chính là Profile của bạn.
1. Sử dụng ảnh đại diện chuyên nghiệp
Dù đi tìm việc online hay offline, ấn tượng đầu tiên của nhà tuyển dụng về bạn cũng vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, bạn hãy chọn một bức ảnh đại diện Profile thể hiện sự tin tưởng và chuyên nghiệp. Đó không cần phải là một bức ảnh vô cùng xịn xò ở Studio mà có thể chỉ là một bức ảnh tự chụp, với đầy đủ ảnh sáng và background đơn giản, chụp từ vai của bạn trở lên. Và quan trọng hơn cả, bạn đừng quên kèm theo một nụ cười thân thiện giống như bức hình dưới đây nhé.
2. Chưa có kinh nghiệm làm việc thì ghi gì vào Profile
Tuy rằng danh từ Profile nghe tương đối mới lạ và có cách trình bày khác biệt nhưng về cơ bản, Profile cũng giống như Resume hay CV mà bạn đã quen thuộc khi ứng tuyển vào các công việc thông thường. Khi đánh giá những bạn profile này, nhà tuyển dụng sẽ nhanh chóng có thiện cảm và bị thu hút bởi những profile có đầy đủ hai tiêu chí: cụ thể và chuyên nghiệp. Để hiểu rõ hơn cấu trúc đầy đủ của một chiếc CV, bạn hãy tham khảo thêm bí quyết viết CV cưa đổ nhà tuyển dụng ngay cả khi không có kinh nghiệm của HRC tại đây nhé.
3. Bổ sung Portfolio nếu có
Ngoài ra, để tăng thêm cơ hội trở thành người được chọn trên thị trường Freelancer khốc liệt, bạn nên xây dựng một chiếc Portfolio cho riêng mình. Portfolio được hiểu là một bản tổng hợp toàn bộ sản phẩm hoặc dự án mà bạn đã từng tham gia thực hiện. Trong trường hợp bạn chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc thực tế từ trước đó, bạn hoàn toàn có thể tự làm ra một số bản mẫu để đưa vào Portfolio. Ví dụ, nếu bạn nhắm đến công việc trong lĩnh vực Content Writing, bạn hoàn toàn có thể viết bài theo chủ đề tự chọn rồi đưa vào Portfolio để khách hàng thấy được kỹ năng viết của bạn..
Bước 3: Tự định giá chính bản thân mình
Khi mới bắt đầu dấn thân vào hành trình trở thành Freelancer, có thể bạn bạn sẽ cảm thấy rất khó khăn trong việc định giá công sức của bản thân. Chắc hẳn không ít bạn sinh viên mới bắt đầu làm Freelancer đã từng có suy nghĩ sẽ đề xuất một mức giá thấp để dễ dàng nhận được offer từ phía khách hàng. Tuy nhiên trong thực tế, khách hàng thường nghi ngờ và loại bỏ ngay những Freelancer tính mức giá quá thấp, bởi vì điều đó cũng đồng nghĩa là trình độ của bạn chưa đạt yêu cầu. Chính vì vậy, mức giá phù hợp nhất với những bạn sinh viên mới bắt đầu nên xấp xỉ với mức giá trung bình của thị trường. Để biết được con số đó, bạn có thể làm theo 2 cách sau đây:
- Tham khảo profile của người khác, cụ thể là những Freelancers có cùng kỹ năng, kiến thức và chuyên môn với bạn nhưng đã từng nhận được một số hay nhiều công việc khác nhau.
- Tham khảo mức giá trung bình của Freelancer trong từng lĩnh vực. Giá của những người mới bắt đầu thường chỉ nên thấp hơn mức giá trung bình một chút. Bạn có thể tham khảo thêm báo cáo mức giá dịch vụ trung bình trên Upwork của Payoneer tại đây.
Bước 4: Viết Proposal/ Cover Letter thuyết phục khách hàng
Trên các nền tảng tuyển dụng, Proposal hay Cover Letter là một dạng tài liệu ngắn mà bạn gửi đến nhà tuyển dụng khi ứng tuyển công việc Freelancer để chứng minh rằng bạn là người phù hợp nhất để hoàn thành công việc đó. Hay nói cách khác, phần giới thiệu ngắn gọn và nhanh chóng này, sẽ giải thích với khách hàng, tại sao họ nên thuê bạn.
Kiểu nội dung Proposal/ Cover Letter cần tránh
Có lẽ bạn đã gặp không ít lời khuyên về việc nên viết một chiếc Cover letter chuyên nghiệp, đầy đủ thông tin về bằng cấp, kinh nghiệm và những kỹ năng mà bạn đã có. Tuy nhiên, những chiếc Cover Letter đó đang thiếu đi yếu tố quan trọng nhất mà bạn phải nhắc tới: khách hàng và những vấn đề mà họ cần giải quyết. Những điều mà khách hàng thực sự quan tâm là bạn đã xác định được vấn đề mà họ đang gặp phải hay chưa và liệu bạn có khả năng giải quyết nó hay không. Vì vậy, hãy chứng minh cho họ thấy bạn là một ứng viên hoàn toàn phù hợp để xử lý vấn đề trong bản Cover letter này.
Cách viết Cover letter ngắn gọn và hiệu quả
Viết một bản Cover letter sẽ trở nên vô cùng đơn giản và nhanh chóng, nếu bạn nắm rõ cấu trúc 5 bước được xây dựng trên nguyên tắc customer-centric (lấy khách hàng làm trung tâm) này.

Để hiểu rõ hơn cách ứng dụng cấu trúc này, các bạn hãy tham khảo chiếc Cover Letter dưới đây nhé:

Bước 5: Chốt đơn chuyên nghiệp và kỹ càng
Trước khi chính thức được tuyển dụng cho công việc mà bạn mong muốn, nhà tuyển dụng sẽ muốn trao đổi với bạn về công việc qua tin nhắn hoặc phỏng vấn online. Bí quyết để khách hàng có ấn tượng tốt với bạn cũng như cuộc trao đổi có thể diễn ra một cách nhanh chóng, hãy luôn giữ thái độ tôn trọng và phong thái chuyên nghiệp xuyên suốt quá trình trò chuyện.
Quan trọng hơn, trên các nền tảng tuyển dụng trực tuyến, tốc độ trả lời tin nhắn vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi có nhiều ứng viên cho cùng một vị trí. Chính vì vậy, hãy thường xuyên cập nhật thông báo và luôn cố gắng trả lời tin nhắn nhanh nhất có thể để không đánh mất những cơ hội quý giá.
Điều cuối cùng mà bạn cần làm khi nhận một công việc Freelance là luôn kiểm tra kỹ hợp đồng. Trong một số trường hợp, hợp đồng khi bạn ứng tuyển và hợp đồng khi bạn đã được tuyển dụng có thể có một vài điểm khác nhau. Vì vậy, tương tự như bất cứ hợp đồng làm việc nào khác, hãy đọc lại nó thật kỹ trước khi đồng ý với mọi điều khoản của hợp đồng.
Lời khuyên cho các bạn sinh viên khi quyết định trở thành Freelancer
Mặc dù công việc Freelance có rất nhiều ưu điểm cũng như cung cấp vô vàn cơ hội cho các bạn sinh viên trải nghiệm và thử sức. Tuy nhiên, quá trình trở thành và làm việc như một Freelancer không hề dễ dàng mà cần rất nhiều cố gắng. Khi đã dấn thân vào hành trình này, bạn hãy ghi nhớ cho mình một số nguyên tắc để có thể học hỏi được nhiều nhất

- Kiên trì tìm kiếm công việc
Khi mới bắt đầu, có thể trong 10 công việc đầu tiên bạn ứng tuyển có đến 9 công việc bị từ chối. Tuy vậy, công việc thứ 10 rất có khả năng sẽ là sự mở đầu cho hành trình sáng lạn của bạn trên các nền tảng Freelancer.
- Chú trọng vào chất lượng sản phẩm
Khi làm việc trên các nền tảng Freelancer trực tuyến, bạn sẽ được khách hàng đánh giá trực tiếp ngay trên Profile. Những đánh giá này đóng góp một phần quan trọng vào quyết định của các khách hàng tiếp theo rằng liệu họ có thuê bạn hay không. Chính vì vậy, hãy nghiêm túc với công việc mình nhận được và cố gắng đưa ra sản phẩm chất lượng tốt nhất có thể.
- Hoàn thành thì tốt hơn hoàn hảo
Đây là lời khuyên đến từ chị Giang Ơi, một Youtube Vlogger và Influencer quen thuộc với thế hệ gen Z, người đã có nhiều kinh nghiệm làm việc Freelancer. Theo chị, những người mới bắt đầu làm Freelancer thường quá cầu toàn, dành rất nhiều thời gian để sửa lại sản phẩm và dẫn đến chậm deadline, điều mà không một khách hàng nào mong muốn. Đã từng trải qua thời kỳ đó, chị Giang Ơi khuyên rằng bạn nên cố gắng đưa ra sản phẩm tốt nhất có thể trong thời gian quy định (nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng yêu cầu của khách hàng), chấp nhận những lỗi mình gặp phải và cải thiện những sai sót đó trong sản phẩm tiếp theo.
Với 6 bước đơn giản để chinh phục công việc Freelance như trên, HRC mong rằng bạn sẽ ứng dụng để nhanh chóng tìm kiếm được và nắm bắt cơ hội trở thành Freelancer, tích lũy kinh nghiệm và trải nghiệm để chọn ra ngành nghề phù hợp trong tương lai.
Tìm đọc các bài viết khác cùng chủ đề tại đây:
CV dưới góc nhìn nhà tuyển dụng – Những điều bạn cần biết
Interview trong thời kỳ 4.0 – Thay đổi nào đang chờ đón bạn?