Culture Fit (sự phù hợp về văn hóa) là một trong những yếu tố mang tính quyết định đến hành trình Management Trainee (MT) của mỗi bạn ứng viên. Tuy vậy, các bạn vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu và thể hiện sự phù hợp văn hóa này trong suốt quá trình ứng tuyển.
Hiểu được những trăn trở này của các bạn sinh viên, HRC đã có cuộc trò chuyện với anh Trung Trương, hiện đang là HR Manager tại Unilever – công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới chuyên về mặt hàng tiêu dùng nhanh. Chúng mình tin rằng, với những chia sẻ chân thực và bổ ích từ anh, các bạn sinh viên sẽ có cái nhìn rõ ràng và toàn diện hơn về Culture Fit, từ đó chuẩn bị thật tốt cho hành trình MT sắp tới của mình.
Khi bắt đầu tìm hiểu về một công ty, văn hóa là một yếu tố không thể thiếu và thay đổi tùy thuộc vào từng công ty. Vậy theo anh văn hóa doanh nghiệp được hiểu như thế nào và có vai trò gì đối với doanh nghiệp ạ?
Anh nghĩ rằng văn hóa doanh nghiệp được cấu thành từ 2 yếu tố chính là Giá trị và sứ mệnh
- Mỗi công ty sẽ có các giá trị bền vững khác nhau và được tạo nên từ quá trình hình thành lâu đời. Những giá trị này là yếu tố nền tảng để cấu thành văn hóa doanh nghiệp, hay nói cách khác, đây chính là cội nguồn gốc rễ của công ty.
- Sứ mệnh là điều mà doanh nghiệp đang hướng đến. Sứ mệnh được thể hiện qua những thành tựu mà công ty muốn đạt được trên thương trường và cách công ty đạt được những điều đó.
Đối với Unilever, một doanh nghiệp đã có tuổi đời hơn 100 năm và luôn cung cấp những sản phẩm gần gũi với cuộc sống thường nhật của mọi người, điều quan trọng nhất là đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, giúp cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp và hoàn thiện hơn một cách bền vững (Making sustainable living commonplace). Và để hiện thực hóa tầm nhìn đó, Unilever luôn đặt 4 giá trị sau lên hàng đầu: Liêm khiết (Integrity), Tiên phong (Pioneering), Trách nhiệm (Responsibility) và Tôn trọng (Respect). Bộ giá trị này luôn là trọng tâm của Unilever và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng doanh nghiệp vững mạnh trong tương lai.
Vậy anh có thể chia sẻ thêm trải nghiệm của mình về những văn hóa này trong các hoạt động của Unilever được không ạ?
Anh nghĩ các bạn sinh viên nên nhìn vào những hoạt động cụ thể của công ty để nắm được đâu là văn hóa của công ty đó. Các bạn có thể hình dung rõ hơn qua ví dụ sau về nhãn hàng OMO của Unilever:
OMO là một nhãn hàng giặt tẩy gần gũi và thân thiện với người dân Việt Nam. Với thông điệp “Dust for good” đầy mới mẻ và ý nghĩa, OMO muốn truyền tải tới mọi người rằng lấm bẩn không chỉ để vui chơi mà còn để thực hiện một mục đích tốt đẹp hơn: mọi người cùng nhau trồng cây để tạo thêm nhiều không gian xanh, góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra, với nỗ lực phát triển bền vững, OMO đang sử dụng nhựa tái chế cho bao bì của mình và áp dụng công nghệ sinh học để sản xuất chất giặt tẩy dễ dàng phân hủy, không gây hại đến môi trường và an toàn hơn trong quá trình sử dụng.
Từ những hoạt động trên của OMO, những giá trị của Unilever đã được phản ánh rất rõ ràng và cụ thể. Một doanh nghiệp không thể vượt qua giới hạn để tạo ra những sản phẩm mới, truyền tải những thông điệp mới khi nhân viên của họ không giữ vững tinh thần tiên phong. Hơn thế nữa, sự đổi mới đòi hỏi mỗi con người trong doanh nghiệp đều phải nỗ lực rất nhiều, nhưng không phải cạnh tranh để chiến thắng mà họ đều tôn trọng và hợp tác với nhau. Và cuối cùng, mỗi nhân viên trong công ty đều đang chung tay xây dựng những điều tốt đẹp cho xã hội và tốt cho bản thân mình: đó là biểu hiện của sự liêm khiết.
Dưới góc nhìn của một nhà tuyển dụng, anh nghĩ “culture fit” có tầm quan trọng như thế nào trong hành trình MT của các bạn ứng viên ạ?
Anh thấy culture fit đóng một vai trò rất quan trọng đối với các bạn ứng viên đã xác định sẽ tham gia chương trình MT.
Sau khi trúng tuyển Management Trainee, các bạn ứng viên sẽ trở thành thế hệ mới dẫn dắt doanh nghiệp trong tương lai. Không chỉ đi cùng với doanh nghiệp qua những đỉnh vinh quang, các bạn còn dẫn dắt, chèo lái doanh nghiệp vượt qua khó khăn thử thách. Mỗi quyết định, mỗi chiến lược bạn đề ra đều có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và cuộc sống gia đình của tất cả những nhân viên trong doanh nghiệp. Chính vì vậy, trở thành một Management Trainee cũng đồng nghĩa với việc bạn phải đương đầu với các thử thách và gánh vác trách nhiệm vô cùng lớn lao. Và để có thể hoàn thành trách nhiệm đó, bạn phải tìm được một doanh nghiệp phù hợp, có chung những giá trị cốt lõi và tầm nhìn mà mình hướng đến.
Quan trọng hơn cả, anh nghĩ rằng tìm được một doanh nghiệp phù hợp về văn hóa không đơn giản là để ứng tuyển vào vị trí bạn mong muốn, mà sâu sắc hơn là để bạn có thể “sống trọn từng khoảnh khắc”. Nếu bạn tìm được một công ty có văn hóa phù hợp, dù công việc có nhiều khó khăn, thách thức đến đâu bạn vẫn cảm thấy vui vẻ và mãn nguyện, từ đó tích lũy thêm cho mình nhiều trải nghiệm thú vị. Sự phù hợp về văn hóa chính là một bước đệm giúp bạn tiến thật nhanh và đi thật xa trên con đường sự nghiệp của mình. Ngược lại, nếu bạn và công ty không tương đồng về mặt văn hóa, nó có thể trở thành bước cản khiến bạn mãi loay hoay trên con đường sự nghiệp, gặp khó khăn trong việc thăng tiến và càng tăng thêm nhiều áp lực đồng trang lứa.
Vậy theo anh, làm thế nào để các bạn ứng viên có thể chọn được một doanh nghiệp có văn hóa phù hợp với giá trị cốt lõi của mình ạ?
Anh nghĩ doanh nghiệp đầu tiên mà bạn làm việc có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với con đường sự nghiệp của mỗi người. Trải nghiệm làm việc trong những ngày tháng khởi đầu sẽ tạo ra sức bật không chỉ về kiến thức mà cả sự tự tin và nhiều khía cạnh khác trong việc xây dựng sự nghiệp. Và để các bạn có sự lựa chọn đúng đắn ngay từ những bước tiến ban đầu thì trước hết các bạn phải hiểu rõ những giá trị và mục đích mình theo đuổi, sau đó là tìm hiểu văn hóa và sứ mệnh của doanh nghiệp. Khi đối chiếu những giá trị giữa bản thân mình và doanh nghiệp, bạn sẽ xác định được liệu đó có phải là nơi phù hợp để mình phát triển hay không.
Vậy anh có thể chia sẻ thêm về cách doanh nghiệp đánh giá sự phù hợp về văn hóa của ứng viên trong chương trình MT được không ạ?
Anh thấy rằng trong quá trình tham gia chương trình MT nói chung hay chương trình Nhà Lãnh Đạo Tương Lai Unilever (UFLP) nói riêng, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá liệu giá trị và mục đích của các bạn ứng viên có phù hợp với văn hóa của công ty, thông qua cách các bạn giải đáp thắc mắc hay xử lý những thử thách của công ty đặt ra. Tuy cùng đối mặt với một tình huống kinh doanh nhưng mỗi bạn ứng viên sẽ đưa ra một cách giải quyết khác nhau và câu trả lời đó sẽ phản ánh một cách chân thực nhất quá trình trưởng thành của bạn, những trải nghiệm của bạn trong quá khứ và cả những giá trị mà bạn đang theo đuổi.
Thêm vào đó, sự phù hợp về văn hóa của từng bạn ứng viên sẽ được đánh giá xuyên suốt quá trình các bạn tham gia chương trình MT chứ không riêng một vòng nào. Mỗi vòng thi sẽ được thiết kế để đánh giá yếu tố mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm theo nhiều cách khác nhau và toàn bộ chương trình MT đều được thiết kế để nhà tuyển dụng có cái nhìn chân thực và đánh giá sát sao nhất về sự phù hợp về văn hóa của ứng viên.
Vậy theo anh, các bạn sinh viên nên chuẩn bị những gì để có thể thể hiện tốt nhất sự phù hợp về văn hóa của mình với doanh nghiệp?
Anh nghĩ văn hóa của mỗi bạn ứng viên được hình thành từ quá trình trưởng thành và phát triển, hay ngắn hạn hơn là từ những trải nghiệm bạn có được trong quãng thời gian đại học. Vì vậy, vào thời điểm bạn đăng ký chương trình MT, tuy không còn đủ thời gian để thay đổi kinh nghiệm hay trải nghiệm nhưng bạn có thể cố gắng hiểu thêm về bản thân mình: Đâu là những giá trị bạn coi trọng, mục đích của bạn là gì, bạn mong muốn điều gì trong tương lai?
Một số bạn có thể trả lời rằng bạn chưa hiểu rõ bản thân mình đến vậy nhưng bạn vẫn sẵn sàng đón nhận bất kỳ cơ hội và thử thách nào trong tương lai. Tuy nhiên, anh khẳng định, người phỏng vấn hoàn toàn có thể nhận ra liệu bạn có thực sự không ngại chiến đấu tới cùng không, hay đó chỉ là một câu trả lời sáo rỗng được đọc ra để vượt qua vòng phỏng vấn. Vì vậy điều các bạn ứng viên nên chuẩn bị lúc này là tìm hiểu về bản thân một cách thấu đáo. Anh nghĩ các bạn có thể sử dụng 3 câu hỏi thường được nhân viên Unilever sử dụng để hiểu thêm về bản thân mình:
- Thuở nhỏ, bạn thích làm những điều gì?
- Thử thách nào đã giúp định hình bản thân bạn của ngày hôm nay?
- Bạn thấy vui vẻ và hạnh phúc nhất vào khi nào?
Từ 3 câu hỏi này, các bạn trẻ có thể xác định được những giá trị mình coi trọng và mục đích mình mong muốn theo đuổi – kim chỉ nam trên con đường sự nghiệp dài hạn của các bạn.
Ngoài ra, anh nghĩ rằng nếu đã lựa chọn con đường MT, các bạn nên nhìn sự nghiệp của mình dài hạn từ 5 năm đến 10 năm. Khi mang tâm thế gắn bó lâu dài với công ty, bạn sẽ có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về văn hóa của doanh nghiệp đó, từ điểm tốt cho đến điểm chưa tốt của doanh nghiệp. Từ đó, bạn sẽ thực sự thấu hiểu và gắn bó với doanh nghiệp, nỗ lực xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Đó chính là tầm nhìn của người lãnh đạo mà các doanh nghiệp đang tìm kiếm.
Vậy anh còn điều gì khác muốn chia sẻ, nhắn nhủ tới các bạn sinh viên sắp tham gia cuộc thi MT trong thời gian tới không ạ?
Anh nghĩ rằng điều các bạn ứng viên nên chú trọng nhất là be yourself. Các bạn không nên khiên cưỡng, ép buộc mình thay đổi các giá trị cốt lõi của bản thân để phù hợp với văn hóa công ty khi phỏng vấn cùng nhà tuyển dụng. Dù có may mắn trúng tuyển vị trí đó, nhưng sau này, sự khác biệt về giá trị và mục đích có thể biến mỗi ngày đến công ty thành một cơn ác mộng. Vì vậy, hãy cứ sống đúng với những giá trị bạn có, bạn sẽ tìm được niềm vui trong công việc và mỗi ngày đi làm sẽ là một ngày vui.
Bên cạnh đó, anh thấy MT chỉ là 1 trong rất nhiều con đường dẫn tới thành công chứ không phải con đường duy nhất. Bạn hoàn toàn có thể lựa chọn một hướng đi khác mà vẫn phát triển được một cách nhanh chóng và tự nhiên, thậm chí có nhiều bạn đi con đường khác MT nhưng lại phát triển nhanh hơn vì bạn ấy phù hợp với con đường đó. Vì vậy, yếu tố mang tính quyết định ở đây là sự phù hợp giữa bạn và con đường bạn chọn.
Con đường MT sẽ phù hợp với những bạn có hoài bão lớn, mong muốn thăng tiến nhanh trên con đường sự nghiệp của mình. Và con đường phù hợp đòi hỏi con người phù hợp, công việc trải nghiệm càng tốt thì mình càng phải xuất sắc hơn rất nhiều. Chính vì vậy, bạn hãy chuẩn bị tốt nhất về: tâm lực, trí lực, thể lực trước khi đi con đường MT. Nếu ứng tuyển thành công, bạn đã hoàn toàn sẵn sàng cho những thử thách cam go phía trước. Nếu bạn không trở thành một Management Trainee, hãy tận dụng trải nghiệm quý báu này để học hỏi nhiều hơn và vững bước trên con đường sắp tới!
HRC xin chân thành cảm ơn anh Trung đã dành thời gian chia sẻ cùng HRC và các bạn sinh viên về chủ đề Culture Fit. Chúng mình mong rằng những chia sẻ của anh Trung sẽ giúp các bạn sinh viên trong quá trình chuẩn bị cho hành trình MT sắp tới của mình.
Bạn có thể tìm đọc các bài viết cùng chủ đề tại đây:
Management Trainee – Đỗ, Trượt, Và Sau Đó
Management Trainee Suntory PepsiCo: Hành trình đến với Supply Chain
[Management Trainee] Bỏ túi ngay các tip giải case hiệu quả