Khoảng thời gian cuối năm là lúc các bạn sinh viên năm 3, năm 4 bắt đầu bước chân vào thị trường tuyển dụng, chuẩn bị cho những công việc thực tập đầu đời của mình. Trong quá trình ứng tuyển, CV chắc hẳn không còn quá xa lạ với các bạn sinh viên bởi nó là sợi dây đầu tiên kết nối ứng viên với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, vẫn có không ít các bạn sinh viên còn gặp khó khăn trong quá trình viết CV. Hiểu được những trăn trở của các bạn, chúng mình đã có buổi trò chuyện với chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Senior Recruiter tại Base – một trong những công ty đi đầu về lĩnh vực chuyển đổi số, mang lại các giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp, với chủ đề “CV dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng”. Chúng mình tin rằng những chia sẻ từ chị Nhung sẽ mang đến nhiều thông tin và giá trị cho các bạn sinh viên trong quá trình chuẩn bị CV để bước vào chặng đường sự nghiệp sắp tới.
Với cương vị là một người tuyển dụng lâu năm, chị thấy CV có vai trò như thế nào trong việc đánh giá ứng viên ạ?
Đối với chị, CV là điểm chạm đầu tiên của ứng viên với nhà tuyển dụng. Giữa hai người xa lạ không biết gì về nhau thì CV sẽ giúp chị hiểu hơn về ứng viên và trong giai đoạn đi ứng tuyển, nó gần như là nguồn thông tin duy nhất để chị đánh giá các bạn ứng viên. Chính vì thế, các bạn ứng viên nên có sự đầu tư nhất định để thể hiện được những ưu điểm nổi bật của mình qua CV để nhà tuyển dụng có thể nhìn nhận và đánh giá khách quan hơn.
Theo chị thì tình trạng chung hay một số lỗi nổi cộm mà các bạn sinh viên thường mắc phải là gì ạ? Và chị có những lời khuyên nào dành cho các bạn để có thể khắc phục các lỗi đó không ạ?
Chị thấy các bạn sinh viên thường mắc phải một số lỗi đó là CV quá dài hoặc quá ngắn:
- CV quá dài: Có không ít các trường hợp các bạn sinh viên không chắt lọc thông tin, dẫn đến việc chiếc CV của các bạn dài đến 2 trang. Theo quan điểm của chị, CV dài là điều không cần thiết và sẽ khiến các nhà tuyển dụng rối mắt.
- CV quá ngắn: Trái ngược lại, có những bạn thì nộp những chiếc CV quá ngắn. Các bạn không có mô tả chi tiết về những công việc bạn đã làm hay các kỹ năng của bản thân khiến nhà tuyển dụng không biết liệu bạn có đáp ứng được công việc đang ứng tuyển không.
Vì vậy, chị nghĩ CV chỉ cần một trang giấy A4 là đủ để các bạn cung cấp những thông tin quan trọng và cần thiết đã được chắt lọc cho nhà tuyển dụng.
Ngoài ra, trong quá trình viết CV của các bạn sinh viên, một lỗi khác chị thường thấy đó là sự thiếu chỉn chu.
- Lỗi chính tả, ngữ pháp: Sau khi hoàn thành các phần thông tin cần thiết thì các bạn nên kiểm tra lại cẩn thận và sửa lại những lỗi đánh máy, lỗi ngữ pháp (nếu có).
- Bố cục: Nếu các bạn ứng viên trình bày thông tin của mình trong CV chưa rõ ràng; thiếu mạch lạc, logic, các nhà tuyển dụng sẽ rất khó nắm bắt thông tin về các bạn. Do đó, các bạn sinh viên cũng cần sắp xếp lại các ý theo một bố cục hợp lý, nên chọn lọc và nhấn mạnh vào các thông tin quan trọng để chiếc CV của mình thêm thu hút và nhà tuyển dụng cũng sẽ không tốn quá nhiều thời gian để đọc chiếc CV của bạn.
- Hình ảnh: Theo chị, sẽ có những công việc thì yêu cầu ảnh chụp phải formal (nhân sự, sales, …) nhưng cũng sẽ có những công việc mà linh động hơn (marketing). Vì vậy các bạn nên cân nhắc đến vị trí, tính chất công việc mình đang ứng tuyển để lựa chọn ảnh phù hợp đưa vào CV của mình.
Một điều khá quan trọng mà chị muốn lưu ý cho các bạn đó là thông tin trong CV cần phải thành thật. Các bạn cần xem xét những kinh nghiệm, kỹ năng của mình để đưa vào CV chứ không nên tự đưa vào những thông tin không chính xác chỉ vì công việc bạn ứng tuyển yêu cầu. Hay thậm chí là có bạn còn fake referral (Cách liên lạc với người mà nhà tuyển dụng sẽ tham khảo thông tin) trong CV của mình. Chị cũng chia sẻ rằng nếu không có thì mình cũng có thể bỏ qua phần này thay vì cung cấp thông tin không chính xác bởi điều này sẽ để lại một ấn tượng không tốt trong mắt nhà tuyển dụng về bạn.
Bọn em cũng thấy các bạn sinh viên thường gặp 3 vấn đề chính như: Mục tiêu nghề nghiệp còn chung chung; chưa biết chọn lọc thông tin trong Kinh nghiệm làm việc và Hoạt động ngoại khoá; còn thiếu Job Description và không biết đưa thông tin như thế nào để phù hợp với công việc và công ty. Vậy thì với những vấn đề này thì chị có lưu ý hoặc lời khuyên nào dành cho các bạn khi làm nội dung ở các phần này không ạ?
Về nội dung của 3 phần này, chị có một số lưu ý dành cho các bạn sinh viên:
Kinh nghiệm làm việc hay hoạt động ngoại khóa:
- Trước hết các bạn nên đọc kỹ Job description và chắt lọc thông tin để hiểu được những kinh nghiệm, kỹ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu.
- Tiếp đó cần liệt kê và chọn lọc những kinh nghiệm của bản thân có liên quan đến vị trí ứng tuyển để giúp nhà tuyển dụng thấy năng lực của bạn phù hợp với vị trí họ đang tuyển dụng.
Với Job description: Chị có chia sẻ rằng có rất nhiều bạn dù rất giỏi trong công việc nhưng trong CV lại không biết mô tả công việc của mình như thế nào hay điều chỉnh nó để phù hợp với vị trí đang ứng tuyển ra sao thì chị có một tip nhỏ đó là: Tìm kiếm thông tin từ Google hoặc các trang Mạng xã hội để biết cách mô tả công việc. Rồi từ đó chọn lọc và chỉnh sửa sao cho phù hợp với kinh nghiệm của bản thân và công việc mình ứng tuyển.
Về mục tiêu nghề nghiệp: Điều nổi bật thường thấy nhất ở các bạn sinh viên là viết theo kiểu văn mẫu, nội dung rất chung chung và không rõ ràng. Chị có đề xuất 1 số cách các bạn có thể xem xét để viết là:
- Kỳ vọng của bản thân về công việc
- Đóng góp của bạn cho công ty tại thời điểm này cũng như trong tương lai
- Mốc thời gian nhất định để đạt được 1 vị trí cụ thể trong công việc của mình
- Như thế sẽ giúp nhà tuyển dụng không chỉ thấy được hết năng lực mà còn giúp họ biết được thời gian bạn có thể đóng góp cho vị trí ứng tuyển của mình.
Đặc biệt ở phần Job Description trong Kinh nghiệm làm việc em có thấy các bạn sinh viên thường quan trọng chức danh công việc hơn mô tả bởi các bạn nghĩ chỉ cần chức danh của công việc là đủ. Vậy thì không biết chị có suy nghĩ gì về vấn đề này ạ?
Chị có chia sẻ rằng tuy có cùng một chức danh nhưng tính chất công việc ở mỗi công ty là khác nhau. Và điều các nhà tuyển dụng tìm kiếm là nội dung công việc các bạn đã làm có tính chất giống với công việc bạn đang ứng tuyển thay vì chức danh của bạn là gì. Vì vậy, trong quá trình viết CV của mình, các bạn sinh viên nên chú ý hơn với phần JD công việc của mình, nên trình bày chi tiết và chọn lọc để nhà tuyển dụng có thể hiểu được bạn hơn.
Bên cạnh việc trình bày nội dung, bố cục của CV thì một vấn đề khác khiến nhiều bạn sinh viên trăn trở nữa đó là khi tìm được công việc và công ty ưng ý nhưng lại không biết cách điều chỉnh thông tin để làm nổi bật điểm mạnh và sự phù hợp của bản thân với công việc và công ty đó. Vậy chị có lời khuyên gì dành cho các bạn đang gặp phải vấn đề này không ạ?
Đầu tiên, chị nghĩ các bạn cần cân nhắc mình có thực sự phù hợp với vị trí ứng tuyển không. Phù hợp ở đây là cần có những kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm để làm công việc đó. Để đánh giá mức độ phù hợp của mình với công việc, khi đọc job description, các bạn nên xác định các điều kiện cần và điều kiện đủ của công việc mình ứng tuyển:
- Điều kiện cần là những yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kĩ năng để có thể ứng tuyển vào công việc đó.
- Điều kiện đủ là những yếu tố giúp bạn nổi bật hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
Tiếp đó, các bạn đánh giá những kĩ năng, kinh nghiệm, khả năng của mình có đáp ứng được điều kiện cần của công việc hay chưa. Nếu bản thân chưa đáp ứng được điều kiện cần thì nên thì nên cân nhắc lại về công việc đó.
Với những bạn chưa có kinh nghiệm trong công việc mình ứng tuyển thì chị cũng đề xuất rằng không nên vì thế mà bỏ qua vị trí ấy mà cần xem xét những kiến thức, hay kĩ năng khác phù hợp với yêu cầu công việc và chọn lọc chúng để bỏ vào CV. Từ đó cho nhà tuyển dụng thấy được dù chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng bạn vẫn có đủ khả năng để làm tốt vị trí mình ứng tuyển.
Nếu đã đáp ứng được phần lớn các yêu cầu của công việc rồi thì sẽ bắt tay vào viết CV. Lúc này, các bạn nên biết cách chọn lọc thông tin để đưa vào CV của mình. Chị nghĩ rằng điều này phụ thuộc nhiều vào tính chất của công việc mà các bạn ứng tuyển, vì vậy hãy đọc kỹ JD và đưa vào CV những kinh nghiệm, kỹ năng liên quan đến vị trí đó để trở nên nổi bật hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
HRC xin chân thành cảm ơn chị Nhung đã dành thời gian chia sẻ cùng HRC và các bạn sinh viên về chủ đề “CV dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng”. Chúng mình mong rằng những chia sẻ của chị Nhung sẽ giúp các bạn sinh viên thật nhiều trong quá trình viết CV để chuẩn bị cho chặng đường tìm kiếm công việc đầu đời của mình.
Bạn có thể tìm đọc các bài viết cùng chủ đề tại đây: