Bước chân lên đại học với bao hoài bão, ước mơ, chắc hẳn cậu cũng như tớ, đều có cho riêng mình những mong muốn, mục tiêu về chuyện học, chuyện làm, về cuộc sống 4 năm tới, từ đạt điểm A đến aim học bổng, từ tham gia câu lạc bộ này đến tổ chức khác, học thêm một ngoại ngữ nữa đến trau dồi kỹ năng, kiến thức, rồi bắt đầu tìm một công việc part-time…
Có thật nhiều việc cần làm và muốn làm, cậu lên kế hoạch một ngày thật năng suất, vừa học, vừa làm, vừa chơi, mọi thứ thật tuyệt vời và đầy triển vọng. Thế nhưng, đời không màu hồng như kế hoạch, như thời gian biểu.
Cuộc đời là một vòng luẩn quẩn…
Đã bao giờ, cậu bắt đầu ngày mới với tâm thế hồ hởi đầy quyết tâm, với thời gian biểu đầy hứa hẹn, nhưng vừa ngồi vào bàn học thì tin nhắn nọ, thông báo kia, 5 phút check điện thoại dự định thành cả buổi sáng lang thang trên mạng xã hội, để rồi to-do list hôm nay thành to-do list ngày mai và cứ thế?
Đã bao giờ, cậu tự hứa với bản thân đêm nay sẽ ngủ sớm, nhưng vừa lên giường lại nhớ ra bộ phim mới chưa xem, bài hát mới chưa nghe, để rồi lại đi ngủ khi nghe tiếng gà gáy?
Tớ biết, những hành động như thế đã trở thành vòng xoáy đi xuống, thậm chí trở thành thói quen hàng ngày của cậu. Nói về những thói quen xấu ấy, mọi người, và chính cậu, thường nghĩ ngay đến nguyên nhân là không có chí, hay không có kỷ luật, không biết kiềm chế bản thân… Cậu tự trách mình sao mà thiếu nghị lực đến thế, cậu quyết tâm sẽ chăm chỉ hơn, sẽ kỷ luật hơn, nhưng vòng lặp cứ luẩn quẩn mãi…
Nhưng nguyên nhân cốt lõi hình thành nên những thói quen không lành mạnh đó ngay từ đầu, có phải do thiếu kỷ cương hay kiểm soát bản thân chưa tốt?
Để trả lời câu hỏi này, trước hết, chúng mình cùng tìm hiểu một thói quen được hình thành như thế nào nhé!
Một thói quen là vòng lặp của quá trình gồm 4 giai đoạn Dấu hiệu – Ham muốn – Phản hồi – Phần thưởng (Cue – Craving – Response – Reward)
- Trước tiên, dấu hiệu giúp não bộ biết cần tạo ra hành động. Dấu hiệu đó là những thông tin báo hiệu phần thưởng. Vì vậy ngay sau khi phát hiện dấu hiệu từ môi trường, cậu có ham muốn.
- Ham muốn chính là động lực thúc đẩy cậu phản hồi, qua suy nghĩ hoặc hành động, để có được phần thưởng.
- Cuối cùng, phản hồi giúp cậu đạt được phần thưởng, là đích đến cuối cùng của quá trình này.
Nhưng tại sao chúng ta lại “săn” phần thưởng ngay từ đầu? Có hai lý do chính:
• Thứ nhất, phần thưởng giúp ta thỏa mãn ham muốn.
Đó có thể là ham muốn về đồ ăn, thức uống – nhu cầu cơ bản giúp chúng ta có năng lượng để tồn tại, hoặc cũng có thể là những ham muốn phức tạp hơn về tiền bạc, danh vọng, tình cảm… Phần thưởng dù là gì cũng giúp chúng ta giải tỏa sự khát khao và mang lại cảm giác thỏa mãn, ít nhất là trong một khoảnh khắc.
• Thứ hai, phần thưởng dạy ta biết những hành động nào đáng được lặp lại ở tương lai.
Não bộ không ngừng phân tích môi trường bên trong và bên ngoài để dò tìm tín hiệu của phần thưởng, rồi theo dõi xem hành động nào mang lại sự thỏa mãn, hành động nào mang lại sự thất vọng. Những phần thưởng mang lại cảm giác thỏa mãn, theo lẽ tự nhiên, được ghi nhớ cùng quá trình đạt được nó, và lặp lại ở tương lai. Vòng lặp này chính là thói quen.
Từ đây có thể thấy, hành động của chúng ta bị chi phối bởi môi trường, hay cụ thể hơn là những tín hiệu từ môi trường. Chúng ta không có ý định lướt feed trong giờ học cho đến khi nhìn thấy chiếc điện thoại, hay nghe thấy tiếng chuông thông báo. Chúng ta không có ý định cày phim thâu đêm nếu không nhìn thấy chiếc khiển TV hay logo Netflix.
Vậy cách giải quyết chúng mình thường áp dụng khi đối mặt với những hành động, thói quen không lành mạnh ấy, là sử dụng ý chí để kiểm soát bản thân, để kháng cự lại những cám dỗ, có thực sự đúng và hiệu quả?
Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã theo dõi và phân tích những người được cho là có khả năng kiểm soát bản thân tốt. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng những cá nhân này không hề khác so với những người gặp khó khăn trong việc kiểm soát bản thân. Điều làm nên sự khác biệt chính là cách họ tạo ra môi trường sống không đòi hỏi (nhiều) ý chí, kỷ cương để kiểm soát hành động. Nói cách khác, môi trường sống của họ có ít/không có cám dỗ.
Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, cuộc sống luôn đầy ắp những cám dỗ và yếu tố gây xao nhãng, việc liên tục kháng cự lại chúng thật sự tốn rất nhiều năng lượng và không thể đảm bảo hiệu quả lâu dài. Cậu có thể ngó lơ những cám dỗ ấy một lần, hai lần, nhưng chắc chắn không ai có thể liên tục giữ một thái độ Zen khi sống trong môi trường đầy “mồi nhử” cả.
Thay vào đó, cách giải quyết tối ưu và bền vững hơn, chính là “nhổ cỏ tận gốc” – loại bỏ những cám dỗ đó từ “nguồn sinh ra”. Một trong những phương pháp từ bỏ những thói quen xấu đơn giản và hiệu quả nhất chính là hạn chế tối đa sự tiếp xúc với những dấu hiệu khơi gợi thói quen xấu.
Trở thành “nhà thiết kế”, thay vì “nạn nhân” của môi trường
- Nếu cậu không thể tập trung hoàn thành việc gì, hãy để điện thoại sang một phòng khác.
- Nếu cậu muốn ngủ sớm nhưng liên tục xem phim thâu đêm, hãy ngắt wifi khi chuẩn bị đi ngủ.
- Nếu cậu dành quá nhiều thời gian và tiền bạc săn sale, hãy gỡ ứng dụng mua sắm một thời gian.
- Nếu cậu liên tục cảm thấy bản thân không đủ tốt, hãy bỏ theo dõi những tài khoản xã hội khiến cậu cảm thấy thấy tự ti và áp lực.
- Nếu cậu muốn hình thành thói quen đọc sách trước khi ngủ, hãy để quyển sách dưới gối.
Những thay đổi tưởng nhỏ bé, đơn giản vậy thôi nhưng chắc chắn sẽ tạo nên những ảnh hưởng rất tích cực tới cuộc sống của cậu. Cậu có thể sử dụng ý chí cưỡng lại cám dỗ một, hai lần, nhưng chắc chắn không phải tất cả mọi lần. Thay vào đó, loại bỏ một dấu hiệu thôi và cậu sẽ dần tạm biệt những thói quen xấu.
Đến đây, chắc cậu cũng tự có cho mình câu trả lời cho câu hỏi mở đầu rồi.
Chìa khóa thành công của những người kỷ cương, kiểm soát bản thân tốt nhất chính là biết cách tạo nên môi trường sống mà những dấu hiệu của thói quen tốt thật rõ ràng, và những dấu hiệu của thói quen xấu trở nên vô hình.
Để hiểu hơn về cách xây dựng và duy trì thói quen tốt, cũng như loại bỏ triệt để thói quen xấu, cậu có thể tìm đọc cuốn sách này. Nếu cậu gặp vẫn gặp khó khăn trong việc giữ tập trung ngay cả khi không còn những cám dỗ từ môi trường, có thể do công việc nặng nề, bế tắc, hay không có hứng thú làm việc, bài viết này sẽ giúp được cậu.
Lời khuyên rất giá trị cuối cùng dành cho chúng mình của ông Sonny Vũ – một doanh nhân thành đạt có học vấn đáng ngưỡng mộ, về việc tận dụng những tiện ích từ công nghệ nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả công việc.
“Đầu tiên, tôi sẽ tắt hầu hết thông báo trên các ứng dụng mạng xã hội, chỉ trừ những thông báo thực sự khẩn cấp … Ngoài ra, tôi sử dụng tính năng chia thời gian cố định dành cho mạng xã hội và thư điện tử. Tôi dành riêng 30 phút mỗi buổi sáng và trước khi đi ngủ để lên mạng xã hội và đọc thư điện tử … Việc tạo dựng một không gian học tập quen thuộc cũng rất quan trọng: một chiếc bàn, chiếc ghế thoải mái và ánh sáng thích hợp, dù chỉ là 15 phút mỗi ngày thôi, cũng sẽ giúp các em hình thành và phát triển thói quen.”
Cậu có thể đọc thêm về những chia sẻ đáng quý khác của ông tại đây.
Điều cuối cùng tớ muốn nói với cậu, là hãy tin vào bản thân và “stay hungry, stay curious” cậu nhé!
Tìm hiểu các bài viết khác có cùng chủ đề tại đây: