Bên cạnh việc gia sư, trợ giảng hay làm nhân viên phục vụ, sales (nhân viên bán hàng) cũng nằm trong danh sách những công việc được nhiều các bạn sinh viên năm nhất quan tâm. Tuy nhiên, một vấn đề lớn mà hầu như bất kỳ sinh viên năm nhất nào cũng gặp phải, đó là: Không có kinh nghiệm, làm sao có thể ứng tuyển vào các vị trí bán hàng?
Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn trả lời câu hỏi này bằng cách cung cấp các thông tin tổng quan về ngành sales, các vị trí sales phù hợp với sinh viên năm nhất và các bước giúp bạn có được một công việc liên quan đến sales khi chưa có bất kỳ kinh nghiệm nào.
1. Sales là gì?
Nhân viên Sales có nhiệm vụ tiếp xúc và làm việc với khách hàng, tư vấn, giải đáp thắc mắc về sản phẩm, giúp họ lựa chọn được những sản phẩm – dịch vụ phù hợp, từ đó, tăng doanh thu cho công ty.
Trong quá trình tuyển dụng, kinh nghiệm làm việc đóng vai trò quan trọng trong việc giúp CV của bạn trở nên nổi bật hơn so với các ứng viên khác, tuy nhiên, nó lại không phải yếu tố quyết định. Thực tế, đối với nhà tuyển dụng, điều kiện tiên quyết để trở thành một salesman (người bán hàng) thực chất chính là khả năng thuyết phục. Để rèn luyện khả năng này, bạn cần nắm vững các thông tin về sản phẩm dịch vụ cần bán, biết cách giao tiếp và đàm phán tốt, nhạy bén nắm bắt được các nhu cầu của khách, khéo léo đưa ra các giải pháp giúp khách lựa chọn được sản phẩm dịch vụ phù hợp.
2. Một vài vị trí sales cho sinh viên năm nhất:
a. Telesales (tiếp thị qua điện thoại):
Telesales là một hình thức bán hàng qua điện thoại. Người đảm nhận vị trí Telesales có nhiệm vụ tìm kiếm thông tin và gọi điện cho khách hàng tiềm năng giới thiệu về các sản phẩm cũng như dịch vụ, cố gắng tư vấn thuyết phục chốt đơn hàng từ đó mang lại doanh thu cho doanh nghiệp.
Theo đuổi công việc nhân viên telesale này, sinh viên sẽ học được kỹ năng giao tiếp, mở rộng mối quan hệ với nhiều người, nhạy bén trong việc nắm bắt tâm lý, xử lý vấn đề một cách tinh tế, linh hoạt.

b. Nhân viên bán hàng:
Hiện nay, để phục vụ nhu cầu của người dân, các cửa hàng (quần áo, đồ ăn nhanh) ngày càng phổ biến. Chính vì thế nhu cầu tuyển dụng nhân viên bán hàng cũng ngày càng tăng cao.
Đây là một công việc có thể linh động thời gian, phù hợp lịch học của các bạn sinh viên, bên cạnh đó công việc này còn giúp bạn mạnh dạn hơn, cải thiện khả năng giao tiếp, thuyết phục người khác. Nếu bạn đang muốn tìm một công việc liên quan đến sales thì đây là một gợi ý rất tốt.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm kiếm những công việc liên quan đến sales trên các website về tuyển dụng uy tín như hrc.com.vn, careerbuilder.vn, vieclam24h.vn, vietnamworks.com hay Ybox.

3. Các bước để có một công việc liên quan đến sales khi chưa có kinh nghiệm:
a. Trước buổi phỏng vấn:
Chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng cần có cho sales:
Trước khi bắt đầu buổi phỏng vấn, bạn cần chuẩn bị những kiến thức liên quan đến công việc bán hàng, cụ thể là bạn cần hiểu một salesman sẽ phải làm những công việc gì và những kỹ năng cơ bản đối với một người bán hàng.
Về kiến thức chuyên ngành, bạn có thể đọc các bài báo trên mạng, tham gia các buổi diễn thuyết từ những diễn giả nổi tiếng trong ngành hay đơn giản hơn bạn có thể nghe chia sẻ những kinh nghiệm bán hàng từ những người quen xung quanh hay quan sát các nhân viên bán hàng để hiểu chi tiết hơn về công việc sales.

Về những kỹ năng cần có cho sales, đối với bạn sinh viên vẫn chưa có kinh nghiệm về sales, bạn hoàn toàn có thể rèn luyện những kỹ năng đàm phán, thuyết phục tại vị trí đối ngoại ở các câu lạc bộ trong trường. Cụ thể hơn, các bạn sinh viên làm tại ban đối ngoại sẽ có cơ hội được tiếp cận với các đối tác để xin tài trợ, duy trì các hoạt động trong câu lạc bộ. Công việc này cũng tương tự như sales, đòi hỏi bạn phải hiểu khách hàng (đối tác tài trợ), tạo sự kết nối với khách hàng và thuyết phục khách hàng hợp tác với mình (ví dụ như đưa ra những lợi ích, giá trị mà khách hàng có thể nhận). Chính vì tính chất hai công việc này khá giống nhau nên những bạn sinh viên làm việc tại ban đối ngoại, sau một thời gian hoạt động trong các câu lạc bộ, đã nhanh chóng rèn luyện được những kỹ năng cơ bản cần có của một salesman, khiến cho các nhà tuyển dụng vô cùng ấn tượng. Tuy nhiên, nếu bạn không có cơ hội tham gia các câu lạc bộ thì cũng đừng quá lo lắng. Bạn vẫn có thể rèn luyện khả năng giao tiếp, thuyết phục thông qua các hoạt động thuyết trình, phản biện trong các buổi học trên giảng đường đại học hay đơn giản hơn là trong các cuộc gặp mặt giao tiếp hàng ngày. Sau khi thấy mình đã tự tin hơn về khả năng giao tiếp, hãy gặp những khách hàng đầu tiên, họ có thể là bạn bè hoặc người thân. Hãy thử trao đổi và tìm hiểu xem họ có đang gặp phải vấn đề rắc rối nào và những sản phẩm của mình có giúp được gì cho họ không.
Xây dựng mối quan hệ:
Để có thể tiếp cận với những công việc chất lượng, mối quan hệ đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Bạn có thể xây dựng mối quan hệ với những người trong ngành thông qua việc tham gia các buổi diễn thuyết liên quan đến sales, kết bạn, làm quen với nhà tuyển dụng hay các anh chị, bạn bè từng có kinh nghiệm về sales.

Chuẩn bị một CV “chất lượng”:
Trong CV, bạn nên làm nổi bật những thông tin về những thành quả bạn đạt được hay những kỹ năng liên quan đến ngành sales thu thập được thông qua những khóa học hay các hoạt động ngoại khóa để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Nếu bạn vẫn chưa chắc chắn về chất lượng của CV thì bạn có thể tham khảo các mẫu CV trên Topcv hay nhận được những đánh giá về CV vô cùng hữu ích trên website mới của HRC trong thời gian tới.

b. Trong buổi phỏng vấn:
Thể hiện sự hiểu biết về nhà tuyển dụng:
Việc thuyết phục được nhà tuyển dụng để có được một công việc cũng giống như việc bán hàng vậy. Giả sử buổi phỏng vấn là một cuộc trò chuyện giữa người bán hàng và khách hàng, thì bạn (với vai trò là người bán hàng) phải hiểu những nhu cầu, vấn đề của nhà tuyển (với vai trò là khách hàng) và đưa ra những giải pháp phù hợp.
Bạn có thể bắt đầu bằng câu nói: “Khi chuẩn bị cho buổi phỏng vấn này, tôi đã …” và liệt kê những thứ bạn đã làm, ví dụ như những báo cáo thường niên về công ty, những nhiệm vụ hay những đối thủ hiện tại của doanh nghiệp đó. Tiếp sau đó, bạn hãy chủ động hỏi nhà tuyển dụng những câu hỏi dựa trên những thông tin bạn thu thập được. Ví dụ: “Tôi đã thấy sự phát triển của công ty trong những năm gần đây. Theo bạn, lý do dẫn tới sự phát triển này là gì?”

Việc tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp hay đưa ra những câu hỏi thông minh sẽ gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng. Vì thế, trong buổi phỏng vấn, nếu đến lượt bạn thì đừng ngần ngại thể hiện cho nhà tuyển dụng những thông tin, kiến thức về công ty mà bạn đã chuẩn bị.
Sẵn sàng bắt đầu từ vị trí nhỏ:
Để có được một công việc tốt, ta luôn phải bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất và sales không phải là một ngoại lệ. Trong buổi phỏng vấn, hãy thể hiện sự sẵn sàng trong việc nhận những vị trí nhỏ nhất trong công ty vì những công việc ấy sẽ cung cấp cho bạn những bài học vô cùng quý giá, những kiến thức căn bản, từ đó tạo cho bạn một nền tảng vững chắc để có thể tiến tới những vị trí cao hơn trong ngành sales.
“You never change your life until you step out of your comfort zone; change begins at the end of your comfort zone.” (Roy T. Bennett)
(Bạn sẽ không bao giờ thay đổi cho đến khi bạn bước ra khỏi vòng an toàn của bản thân; sự thay đổi bắt đầu tại điểm kết thúc của vòng an toàn)
Vì vậy, đừng vì bản thân là sinh viên năm nhất, còn thiếu kinh nghiệm mà ngần ngại trở thành một salesman. Hãy bước ra khỏi vòng an toàn của bản thân, tìm hiểu chi tiết về sales và lên lộ trình cho bản thân để cải thiện, nâng cao kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, từ đó trở thành một salesman sáng giá trong mắt các nhà tuyển dụng!