Đứng trước máy bán nước tự động, bạn sẽ chọn đồ uống nào: Coca hay Pepsi? Bước vào cửa hàng để sắm một đôi giày mới, bạn sẽ để mắt tới nhãn hiệu nào: Nike, Adidas hay Biti’s Hunter? Lựa chọn một chiếc laptop mới cho mùa thực tập, bạn sẽ thích hãng nào hơn: Apple, Samsung, Dell hay Sony?
Chúng ta – mỗi người có một sở thích riêng, và đương nhiên, sở thích khác nhau quyết định lựa chọn khác nhau. Nhưng đã bao giờ chúng ta tự hỏi: tại sao mình lại thích hãng này hơn hãng kia?
Lấy một ví dụ thú vị, tưởng tượng Tarzan đứng giữa 2 quán cà phê: Urban Station và The Coffee House? Anh ta sẽ đi vào quán nào? Câu hỏi tưởng chừng vô nghĩa nhưng lại liên quan đến thứ tất cả chúng ta đều đang chịu ảnh hưởng: Marketing.
Vậy marketing là gì? Bỏ qua những định nghĩa chung chung, đọc thì dễ mà thấm vào chẳng được bao nhiêu, marketing có thể gói gọn trong công thức: B.A.R.I.C.
1. Brand – Thương Hiệu
Không còn gì phải bàn cãi, marketing chính là thương hiệu. Mục tiêu của marketing là tạo nên thương hiệu cho bản thân và doanh nghiệp. Thương hiệu ở đây có thể hiểu là:
“Một cái tên, một cách gọi, một biểu tượng,… giúp phân biệt doanh nghiệp này với các doanh nghiệp còn lại”
AMA – Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ
Gói gọn cả một doanh nghiệp trong một từ, một hình ảnh đâu phải dạng vừa, có thể mất cả chục năm đến trăm năm. Đối với vô số doanh nghiệp thì để tạo nên thương hiệu như hái sao trên trời.
Tại sao khi nhắc đến Apple, trong đầu ai cũng hiện lên hình quả táo cắn dở? Tại sao khi nhắc đến Coca-cola, người ta thường liên tưởng đến màu đỏ – trắng? Được biết đến với một thương hiệu nào đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó đã ghi sâu vào tâm trí của mọi người, không cần phải diễn giải dài dòng, mô tả kỳ công. Tạo nên thương hiệu phổ biến trên thị trường, doanh nghiệp đó nắm chắc sự phát triển trong tương lai.
Chính vì vậy:
“Marketing là xây dựng thương hiệu, thuyết phục mọi người rằng thương hiệu của bạn là tốt nhất”
Marjorie Clayman, Giám đốc phát triển khách hàng, Clayman Advertising Inc.
Trước kia, doanh nghiệp thường nghĩ rằng chất lượng sản phẩm càng tốt thì chắc chắn sẽ thu lợi nhuận ngất ngưởng, nhưng trong thời đại ngày nay, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nếu không biết tạo thương hiệu cho mình, doanh nghiệp sẽ dần “đuối sức” trên đường chạy dài để duy trì kinh doanh những sản phẩm chất lượng hảo hạng mà không ai mua đó.
Kết luận lại, nói đến marketing không thể không nói đến thương hiệu, vì nếu không có thương hiệu, marketing không bao giờ chạm tới đỉnh cao.
2. Articulation – Truyền thông
“Marketing is the art and science of persuasive communication”
(Marketing vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật thuyết phục người khác)
Dave Kerpen, CEO of Likeable Media
Bạn có một thông điệp hay nhưng cách truyền đạt đến người tiêu dùng kém cũng giống như việc sở hữu vóc dáng siêu mẫu nhưng lại toàn mặc đồ rộng thùng thình, sẽ chẳng ai biết mà trầm trồ trước vóc dáng của bạn. Vì vậy, marketing tốt tức là truyền thông tốt. Việc truyền thông sẽ đánh giá mức độ lan tỏa sản phẩm của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và thu hút nhiều khách hàng hơn.
Marketing sẽ không tồn tại nếu doanh nghiệp chỉ đứng một mình, bởi vì xã hội là sự tương tác giữa người với người. Ngày nay, hàng hóa đa dạng, nhiều mẫu mã, chủng loại, người tiêu dùng dễ bị “hoang mang” trước cả núi sản phẩm để chọn lựa. Khi đó, nếu doanh nghiệp nào truyền thông tốt, rất dễ dàng để kéo khách hàng về phía mình.
Đằng sau thành công của Biti’s Hunter
Câu chuyện thành công của Biti’s Hunter hẳn không còn xa lạ. Chiến lược truyền thông đúng đắn thông qua viral video là các music video của ca sĩ nổi tiếng đã truyền tải thông điệp của nhãn hiệu một cách không thể hiệu quả hơn. Qua hình ảnh Sơn Tùng M-TP và Soobin Hoàng Sơn – 2 nghệ sĩ có sức ảnh hưởng lớn trong giới trẻ, đi đôi giày Biti’s đánh vào tâm lý của giới trẻ Việt Nam, cùng với thông điệp “Đi để trở về” đã đánh trúng sự thật ngầm hiểu của các bạn trẻ: “Dù có đi đâu, bay nhảy ở phương trời nào, cuối cùng gia đình vẫn là nơi tuyệt vời nhất”. Chiến lược truyền thông này là một cú lội ngược dòng ngoạn mục đối với thương hiệu giày Việt còn đang ngắc ngoải.
Có thể nói, truyền thông là một mảnh ghép không thể thiếu của marketing.
3. Revenue – Lợi nhuận
Tại sao doanh nghiệp lại phải bỏ hàng trăm triệu để thúc đẩy marketing thay vì sản xuất ra nhiều sản phẩm/dịch vụ? Đơn giản vì việc cạnh tranh ngày càng cao đồng nghĩa với việc cung vượt quá cầu. Muốn tiêu thụ được sản phẩm buộc các doanh nghiệp phải làm sản phẩm của mình nổi bật hơn đối thủ. Chính vì vậy, marketing trở nên thiết yếu để bán được hàng hóa, từ đó đem lại lợi nhuận.
“Marketing là quá trình chuyển đổi nhu cầu khách hàng thành doanh thu và đem lại lợi nhuận”
Mark Burgess, Đối tác Marketing của Blue Focus Marketing
Giáo sư Philip Kotler cũng nhận định marketing là “đáp ứng nhu cầu khách hàng tại mức cho lợi nhuận”. Vì vậy, về lợi ích doanh nghiệp, marketing là phương tiện thúc đẩy lưu thông và thu về lợi nhuận. Đây cũng là một trong những mục tiêu cốt yếu mà doanh nghiệp theo đuổi khi tiến hành marketing.
4. Innovation – Sáng tạo
Sáng tạo từ sản phẩm đến cách truyền tải. Một sản phẩm bình thường có thể đem lại doanh thu, nhưng một sản phẩm mới lạ sẽ đem lại lợi nhuận khổng lồ.
Câu chuyện của Steve Jobs và Apple luôn là một điển hình cho sự sáng tạo. Steve Jobs từng tuyên bố: “Rất nhiều trường hợp, con người ta không biết họ muốn cái gì cho đến khi bạn mang điều đó đến cho họ xem”. Cách tiếp cận này đã tạo ra những dòng sản phẩm đột phá vượt qua trí tưởng tượng của con người lúc bấy giờ như Iphone, Ipad,… Và đương nhiên, Apple trở thành gã khổng lồ công nghệ chỉ trong nháy mắt
Tuy nhiên, để có được một sản phẩm đột phá rất khó khăn và đòi hỏi cả một bầu trời tài năng và mạo hiểm. Chính vì vậy, marketing thường tập trung nhiều hơn vào việc truyền tải đến khách hàng về sản phẩm một cách mới lạ và độc đáo nhất. Thiết kế bao bì đẹp mắt, thuận tiện hay sáng tạo nội dung, các phương thức quảng cáo đều là những mục tiêu phổ biến nhất.
Như Nivea, thương hiệu hóa mỹ phẩm rất quen thuộc đã thuyết phục khách hàng chỉ bằng một chiếc ghế sofa. Nửa bên phải của chiếc ghế với logo và thông điệp “Tạm biệt dầu thừa trên da” hoàn toàn đối lập với nửa bên trái không có logo, bề mặt bóng loáng và nhiều lỗ nhỏ. Không cần thêm bất kỳ một yếu tố nào, công dụng của các sản phẩm Nivea đã được truyền tải trọn vẹn và vô cùng thuyết phục.
Hay như việc McDonald sắm ngay vạch qua đường cho dân chúng với logo chữ M to đùng cũng là một cách Marketing rất độc đáo và kích thích thị giác.
Luôn luôn đổi mới sáng tạo về cả nội dung lẫn cách truyền tải, Marketing đúng chuẩn là phải như thế!
5. Customer – Khách hàng
Tìm kiếm Google cho 100 định nghĩa của Marketing, 80% đều phải có từ “khách hàng”, 20% còn lại là những từ như “công chúng”, “đúng người”,… Marketing không để tâm đến khách hàng là marketing thất bại từ gốc rễ. Nhưng nhu cầu của khách hàng rất đa dạng. Giống như việc bạn thích uống trà sữa vị dâu, mẹ bạn thích vị táo, bố bạn thích vị bạc hà, trong khi em bạn lại thích vị sô-cô-la chẳng hạn. Ta tự hỏi, với nhu cầu đa dạng như vậy, tại sao lại phải để tâm đến khách hàng khi sản xuất ra cái gì ắt sẽ có nguồn tiêu thụ.
Hoá ra, mấu chốt nằm ở chỗ: hiện nay rất khó để tìm ra khách hàng trung thành. Đặc biệt trong thời đại của Thế hệ Y (hay còn gọi là Millennials), là những người sinh từ 1982 đến 2000, chiếm 30% dân số của Việt Nam.
Sinh ra trong thời đại công nghệ bùng nổ và luôn bị vây quanh bởi hàng ngàn lựa chọn, The Millennials cũng là đối tượng khó chiều nhất. Họ không phải là người chấp nhận bất cứ thứ gì bạn đưa cho họ. Họ luôn đánh giá, so sánh, rồi sau đó mới quyết định. Nếu bạn không thấu hiểu họ, ở đây tôi xin được dùng từ “thấu hiểu”, sản phẩm/dịch vụ của các bạn không thể đứng vững trên thị trường.
Tôi chọn từ “thấu hiểu” vì không chỉ nắm bắt được nhu cầu khách hàng mà marketing hiệu quả phải hiểu được sở thích, thói quen người tiêu dùng. Ví dụ khét tiếng nhất về thảm họa thương hiệu do không hiểu khách hàng là trưởng hợp của New Coke – sản phẩm của “ông lớn” Coca-Cola.
New Coke – Thảm Hoạ Của Coca-Cola
Năm 1985, dưới sức ép cạnh tranh, nhằm vực lại thương hiệu, Coca-Cola đã ngưng sản xuất Coke Classic (loại chúng ta vẫn đang dùng hiện nay) và thay thế hoàn toàn bằng New Coke, một công thức mới.
Đáng lẽ ra, dựa trên khảo sát khách hàng, New Coke đã là một thành công với hương vị được đánh giá ngon hơn nhiều Pepsi lúc bấy giờ. Tuy nhiên, điều Coca-Cola bỏ qua nhận thức người Mỹ lúc bấy giờ: Coke Classic là biểu tượng, một bí mật đáng tự hào của nước Mỹ, một thứ chân thật không thể sao chép. Như vậy, New Coke đã bị tẩy chay trên toàn nước Mỹ và hành động này của Coca-Cola được coi là “sai lầm Marketing lớn nhất mọi thời đại”. Thật may là sau đó nhà sản xuất đã nhanh chóng bỏ New Coke và tái sản xuất Coke nguyên thủy,
Sản phẩm có tốt, có chất lượng đến mấy nhưng không thấu hiểu khách hàng cũng chẳng thế nào phất lên được. Đó chính là lúc vai trò Marketing phát huy: khách hàng là trên hết.
Như vậy, với công thức 5 chữ B.A.R.I.C, ta đã có được cách nhìn toàn diện về Marketing. Marketing là xây dựng thương hiệu và đáp ứng nhu cầu khách hàng thông qua việc thấu hiểu họ, từ đó sáng tạo trong sản phẩm và truyền thông nhằm đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Các bạn có thể đón đọc các bài viết cùng chủ đề dưới đây: