Case study – nghe lạ mà quen?
Trong bối cảnh thị trường tuyển dụng đang ngày càng trở nên khắt khe hơn đối với sinh viên do sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, case study đã dần trở nên quan trọng, cần thiết không chỉ với các nhà Tuyển dụng mà còn cả sinh viên khối ngành kinh tế. Đối với những bạn sinh viên theo dõi, quan tâm đến những chương trình tuyển dụng của các tập đoàn lớn, chắc hẳn cụm từ “case study” không còn quá xa lạ bởi đây là một phần không thể thiếu trong các vòng thi, nhằm đánh giá khả năng và năng lực của các bạn.
Tưởng như đây là một xu thế mới mẻ và xa lạ, case study lại mang một định nghĩa hết sức đơn giản và quen thuộc. Case study chỉ đơn giản là một dạng nghiên cứu tình huống chuyên sâu về một cá nhân, nhóm cộng đồng,…
Vậy case study là gì? Có khó không? Làm sao để giải?
Dưới con mắt của một nhà kinh tế học, case study là một bản nghiên cứu, phân tích một dự án, chiến dịch hoặc doanh nghiệp để từ đó làm rõ hoàn cảnh cũng như đề xuất, phát triển những chiến lược giúp cho doanh nghiệp đó giải quyết được những vấn đề và trở nên thành công hơn. Một case study bao gồm đầy đủ các số liệu kinh doanh, tình hình cụ thể về các khía cạnh quan trọng của một doanh nghiệp: tài chính (Finance), nhân sự (HR), marketing, kinh doanh (sales),…
Việc giải một case study cũng đồng nghĩa với việc sinh viên chứng minh cho nhà Tuyển dụng về năng lực, tư duy giải quyết vấn đề của bản thân, từ đó nâng cao khả năng sinh viên đó được tiếp nhận vào trong các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Tuy vậy, điều đó cũng có nghĩa rằng việc giải một case study là điều không hề dễ dàng, đòi hỏi ở sinh viên một số những yếu tố cần thiết như: óc nhạy bén, khả năng nắm bắt thông tin, kiến thức chuyên ngành,… Không những vậy, đứng trước một case study, sinh viên còn gặp phải những câu hỏi vô cùng lớn, vô cùng nan giải: “Làm thế nào để tiếp cận một case study? Phải bắt đầu từ đâu? Phải trải qua những bước nào?”
Hiểu được điều đó, HRC cung cấp cho các bạn một số nhưng mô hình giải case study nổi tiếng, được mệnh danh là những kim chỉ nam giúp người giải có cách tiếp cận vấn đề một cách khoa học, hệ thống, khái quát hơn.
Có thể bạn chưa biết một số phương pháp giải case dưới đây?
1. Mô hình PESTEL
PESTEL Analysis là một công cụ chiến lược vô cùng hữu hiệu, mô tả một bộ khung gồm các yếu tố bên ngoài thuộc môi trường vĩ mô, giúp người giải case study hiểu được sự tăng trưởng hoặc suy thoái của thị trường, vị thế kinh doanh, cơ hội và định hướng cho các hoạt động của doanh nghiệp.
Một cách đơn giản hơn, ta có thể hiểu PESTEL như một công cụ giúp ta định hình được doanh nghiệp trong các bối cảnh: chính trị, kinh tế, xã hội,…
PESTEL là một cụm từ được kết hợp bởi chữ cái đứng đầu của các yếu tố, trong đó:
P – Politics (Chính trị)
E – Economic (Kinh tế)
S – Social (Xã hội)
T – Technology (Công nghệ)
E – Environment (Môi trường)
L – Legal (Pháp lý)
Ví dụ cho mô hình PESTEL Analysis:
Coca Cola là một thương hiệu nước ngọt có ga nổi tiếng và lâu đời. Bằng cách áp dụng mô hình PESTEL, ta có thể rút ra một số phân tích về yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến doanh nghiệp Coca Cola như sau:
P(olitical):
- Về yếu tố chính trị (Political), Coca Cola cần phải tuân thủ những điều luật mà VFA (Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế) ban hành.
- Đối với từng quốc gia và vùng lãnh thổ, Coca phải tuân thủ luật pháp và quy tắc (liên quan đến vấn đề thuế, marketing, nhân công,..) họ đề ra để có thể tiếp tục phân phối sản phẩm trên thị trường.
E(conomic):
- Coca Cola đặc biệt chú trọng về khẩu vị và sở thích của khách hàng. Chính điều này giúp Coca Cola có những định hướng riêng về sản phẩm của mình.
- Doanh thu của Coca Cola chủ yếu đến từ việc bán đồ uống, nước giải khát.
S(ocial):
- Ở Nhật Bản, Coca Cola đã giới thiệu hơn 30 hương vị khác nhau.
- Ở Mỹ, Coca lại tập trung hơn vào việc cung cấp các sản phẩm tốt cho sức khỏe bởi các con số thống kê về béo phì và các bệnh tim mạch đang là vấn đề nhức nhối tại quốc gia này.
T(echnology):
- Coca Cola đang làm rất tốt trong việc áp dụng công nghệ cao ở quy trình sản xuất.
- Việc sử dụng hiệu quả các công cụ truyền thông mạng cũng là một thế mạnh của Coca Cola.
E(nvironment):
- Việc tiếp cận nguồn nước sạch là một vấn đề ảnh hưởng đến sự sống còn của Coca Cola, nếu như không thể làm được điều này, Coca Cola sẽ không thể duy trì được bộ máy sản xuất.
- Hiện nay, Coca Cola đang vấp phải một số phản đối và chỉ trích xoay quanh vấn đề rác thải nhựa (1 trong 3 nhãn hiệu đứng đầu thế giới về rác thải nhựa). Công ty này cần phải có những chiến lược và hành động phù hợp để giảm thiểu số rác thải nhựa trong tương lai.
L(egal):
- Công ty này đã thực hiện tốt việc đảm bảo tất cả các quyền kinh doanh của mình.
- Coca có quyền sở hữu của tất cả các sản phẩm trong quá khứ và tương lai mà công ty phát triển với một quy trình đã được cấp bằng sáng chế.
2. Mô hình SWOT
Nếu như PESTEL giúp ta phân tích các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến 1 doanh nghiệp, thì SWOT lại đem đến một góc nhìn sâu sắc về doanh nghiệp đó, về các khía cạnh tiềm ẩn mà họ đang sở hữu. Bằng cách áp dụng mô hình SWOT, người giải case có thể hiểu rõ doanh nghiệp mà họ đang tìm hiểu cũng như xây dựng được những chiến lược phù hợp.
SWOT là viết tắt của 4 từ: Strengths (thế mạnh), Weaknesses (điểm yếu), Opportunities (cơ hội) và Threats (thách thức).
Trong đó, S (thế mạnh) và W (điểm yếu) được xem là hai yếu tố nội bộ (có thể kiểm soát và thay đổi) trong một doanh nghiệp, còn O (cơ hội) và T (thách thức) là hai yếu tố bên ngoài (không thể kiểm soát và thay đổi).
Ví dụ về mô hình SWOT:
Vinamilk là một thương hiệu sữa nổi tiếng và lâu đời tại Việt Nam với những sản phẩm như: sữa uống, sữa chua, phô mai,… Hãy cùng HRC khai thác những khía cạnh sau của Vinamilk qua lăng kính SWOT nhé:
S(trength):
- Thương hiệu mạnh, chiếm thị phần lớn nhất cả nước (55%).
- Mạng lưới phân phối rộng lớn (64 tỉnh thành).
- Dây chuyền sản xuất hiện đại và tiên tiến.
W(eakness):
- Nguồn nguyên liệu còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, chưa chủ động.
- Các sản phẩm không phải sữa (bia, cà phê, trà xanh,…) không có tính cạnh tranh cao.
- Hoạt động Marketing chưa được đầu tư mạnh ở thị trường miền Bắc.
O(pportunities)
- Nhu cầu về sữa tăng mạnh ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
- Hàng loạt công nghệ tiên tiến trên thế giới ra đời nhằm hỗ trợ trong việc nuôi dưỡng bò sữa và phục vụ quá trình sản xuất sữa.
T(hreats):
- Việc kiểm định chất lượng sữa tại Việt Nam đạt hiệu quả chưa cao.
- Quy mô trang trại bò tại Việt Nam còn nhỏ, chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế.
- Sự xuất hiện của nhiều đối thủ cạnh tranh (TH True Milk, Nutifood, Sữa Mộc Châu,…)
Dựa vào những yếu tố trên, doanh nghiệp Vinamilk có thể phát triển những chiến lược và hướng đi phù hợp trong tương lai.
3. Ma trận BCG
Ma trận BCG là một phương pháp khá phổ biến được phát triển bởi nhóm nghiên cứu Boston nhằm mục đích giúp các công ty phân tích mô hình kinh doanh của họ cũng như các dòng sản phẩm trên thị trường.
Ma trận BCG tập trung phân tích thị phần và tốc độ tăng trưởng của sản phẩm trên thị trường, được thể hiện bằng một hình vuông được chia thành 4 phần chính như sau:
Trong đó:
- Stars (Ngôi sao): Những sản phẩm được xếp vào danh mục này chiếm thị phần tương đối lớn và có tốc độ tăng trưởng cao. Chúng sở hữu lợi thế trong việc cạnh tranh và còn nhiều cơ hội để phát triển lợi nhuận và tăng trưởng dài hạn.
- Question marks (Dấu hỏi): Những sản phẩm ở danh mục này tuy có vị thế cạnh tranh và thị phần thấp nhưng lại có tốc độ tăng trưởng cao và rất triển vọng trong lợi nhuận. Thông thường, các sản phẩm mới vào thị trường sẽ được liệt kê vào danh mục này.
- Cash cows (Con bò sữa): Danh mục này bao gồm các sản phẩm chứa thị phần tương đối lớn và có sức cạnh tranh mạnh, tuy nhiên lại có tốc độ tăng trưởng thấp và hết cơ hội để phát triển.
- Dogs (Con chó): Mức độ cạnh tranh yếu và thị phần thấp, đây là một trong những ngành tăng trưởng chậm. Danh mục này triển vọng rất thấp vì chúng đòi hỏi lượng đầu tư lớn nhưng chỉ để duy trì một phần thị phần rất thấp, rất ít cơ hội để đem về lợi nhuận cao.
Tổng kết
HRC hy vọng những phương pháp nói trên có thể phần nào giúp bạn trong quá trình giải một bài case study “khó nhằn”. Tuy vậy, không nên quá máy móc áp dụng những phương pháp này mà cần phải có óc suy xét, đồng thời tự trau dồi kiến thức cho bản thân.
HRC tin rằng, bằng sự nỗ lực và cố gắng, bạn sẽ thành công khi chinh phục bất cứ một case study nào. Để có thể luyện tập hàng ngày, HRC xin gửi bạn tài nguyên tham khảo về case study tại đây.
Chúc bạn thành công!
Discussion about this post