Thời điểm cuối năm là thời điểm bùng nổ với hàng loạt những cuộc thi, đặc biệt là cuộc thi dành cho sinh viên kinh tế. Hầu hết các cuộc thi đều yêu cầu CV trong vòng đầu tiên. CV chính là mô phỏng khái quát và ngắn gọn nhất về con người bạn. Liệu bạn có được đi tiếp vào vòng trong không, hay bạn phù hợp với những tiêu chí của cuộc thi như thế nào, tất cả đều sẽ được đánh giá qua CV. Chính vì thế, chúng ta cần chỉn chu ngay từ những bước đầu tiên khi chuẩn bị. Nhưng CV cần cung cấp thông tin gì? Chúng ta cần tránh mắc lỗi gì khi viết CV? Nếu bạn đang chuẩn bị nộp đơn và băn khoăn với những câu hỏi này, bài viết hôm nay sẽ giúp bạn có được câu trả lời.
CV LÀ GÌ?
CV là dạng viết tắt của từ La-tin Curriculum Vitae, được dịch thuần túy là “hành trình cuộc đời”. CV là một bản miêu tả hành trình sự nghiệp của bạn một cách chi tiết, bao gồm cả những thông tin cá nhân. CV được coi là là một bản mô tả đầy đủ về tất cả những gì bạn đã làm, những thành tựu, những ấn phẩm mang tên bạn. Tùy thuộc vào số lượng kinh nghiệm mà CV có thể dài hơn 2 trang. Nhưng trong khuôn khổ đánh giá và tiềm lực của cuộc thi sinh viên, một CV lý tưởng sẽ được tóm gọn trong tối đa là 2 trang A4.
CV KHÁC RESUME NHƯ THẾ NÀO?
Resume là một bản tóm tắt ngắn gọn và đầy đủ trọng tâm về kinh nghiệm làm việc, kỹ năng chính và bằng cấp nghề nghiệp. Resume thường được tóm gọn trong 1 trang A4, tập trung vào lịch sử công việc hơn là những thành tựu học thuật. Resume được thiết kế cụ thể theo từng vị trí công việc mà bạn ứng tuyển, mang tính cạnh tranh cao. Resume thường đi kèm với một bản cover letter để diễn giải sâu hơn những gì thể hiện trong đó.
Có ba điểm khác nhau rõ nhất giữa CV và resume.
Đầu tiên là độ dài. Đây là sự khác biệt nổi bật nhất giữa CV và Resume. Resume thường ngắn gọn, súc tích (dài 1 trang), trong khi CV thường đầy đủ, toàn điện hơn (có thể dàn trải sang trang thứ 2, tùy thuộc vào kinh nghiệm của bạn).
Về mặt chức năng, CV và Resume cũng có tính phân loại cao. Nếu bạn đang ứng tuyển công việc ở một công ty nào đó thì Resume là sự lựa chọn tối ưu. Tuy nhiên, với những cuộc thi sinh viên, CV lại được đề cao hơn. CV chủ yếu được dùng cho các mục đích học thuật như thi cử, ứng tuyển các bậc học cao hơn.
CV và resume cũng đặc trưng cho hai cách thể hiện kinh nghiệm làm việc mà chúng mình sẽ nói rõ hơn ở phần sau. Nhìn chung, CV giúp trình bày kinh nghiệm và học vấn theo trình tự thời gian, còn resume chỉ tập trung vào những kỹ năng và nền tảng đặc thù liên quan đến công việc đang ứng tuyển.
Chính vì thế mà khi viết, chúng ta cần chọn lọc thông tin dựa trên chức năng của từng loại. Với resume, tùy từng công việc cụ thể mà bạn sẽ đưa vào những kỹ năng phù hợp. Còn đối với CV, việc cập nhật liên tục các thành tựu, bằng cấp mới nhất là điều cần thiết. Một CV tốt được đánh giá trên ba tiêu chí: đủ-đúng-hay. Tiêu chí đầu tiên cần quan tâm là “đầy đủ” những đề mục cần thiết. Sau đó, chúng ta sẽ đi vào chỉnh sửa nội dung và hình thức sao cho “đúng”, “trúng” những tiêu chí của cuộc thi. Sau cùng, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu làm thế nào để những điều mình thể hiện trên CV là một bản mô phỏng gần nhất với con người thật của mình, thể hiện được những cá tính và định hướng rõ ràng.
CẤU TRÚC CỦA MỘT CV HOÀN CHỈNH
CV thường gồm có 7 mục, trong đó có 4 mục chính là: Thông tin cá nhân – Học vấn – Kinh nghiệm làm việc/Hoạt động ngoại khóa và Kỹ năng. Bên cạnh đó, ba mục không bắt buộc là: Mục tiêu nghề nghiệp – Thành tích và Tham chiếu thông tin. Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn xem mỗi phần cần có những thông tin gì và ghi chú một vài lời khuyên để có một chiếc CV như ý nhé.
THÔNG TIN CÁ NHÂN
Đây là phần bắt buộc của CV, bao gồm những thông tin sau được ghi ở trên cùng:
- Tên đầy đủ của bạn
- Địa chỉ email – ưu tiên những địa chỉ email là tên của bạn hay kèm theo ngày tháng năm sinh
- Số điện thoại
- LinkedIn profile (nếu có)
Pro tips:
- Bạn không nên cho ảnh cá nhân, trừ khi được yêu cầu đính kèm ảnh. Nếu cho ảnh thì bạn nên chọn những bức hành đảm bảo các tiêu chí: lịch sự, nhìn rõ mặt, cân đối và chất lượng tốt.
- Bạn cũng không nên cung cấp thông tin về ngày tháng năm sinh, tình trạng hôn nhân hay tình trạng sức khỏe, trừ khi được yêu cầu nhé.
PERSONAL STATEMENT (khái quát về bản thân) hoặc CAREER OBJECTIVES (mục tiêu nghề nghiệp)
Đây là phần không bắt buộc, nhưng chúng mình khuyên bạn nên có, đặc biệt là với những bạn tham gia cuộc thi chuyên ngành khác với ngành đang học. Đây sẽ là phần tiên quyết giúp bạn gây ấn tượng với người đọc. Từ khóa cho phần này chính là ngắn gọn, tầm 150 từ là vừa đủ.
Tùy thuộc vào cách đặt tên bạn chọn mà nội dung sẽ thay đổi linh hoạt. Nếu là “personal statement” thì nội dung bạn nên viết là tóm gọn lộ trình nghề nghiệp và thành tích đã đạt được. Bạn nên viết theo hướng này nếu bạn có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thi tuyển. Ngược lại, “career objectives” nêu ra những kỹ năng bạn đã thành thạo. Bạn cũng nên đưa ra mục tiêu ngắn hạn và dài hạn liên quan đến ngành thi của mình. Đây sẽ là cách viết thông mình nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm liên quan đến ngành/vị trí đang thi.
Pro tip: Phần “personal statement” nên đi theo trình tự các bước:
- Bước 1: giới thiệu ngắn gọn về bản thân và vị trí nghề nghiệp. Bạn có thể nói về chuyên ngành học hiện tại, hoặc nói một vài điều bạn thích nhất ở ngành và lý do bạn tham gia cuộc thi.
- Bước 2: cho thấy điểm mạnh của bạn. Bạn nên làm nổi bật một vài thành tựu chính, liên quan trực tiếp đến ngành học để thể hiện độ phù hợp với cuộc thi.
- Bước 3: đưa ra mục tiêu nghề nghiệp. Ở phần này, bạn nên tóm gọn lại lý do vì sao bạn tham gia cuộc thi và những mục tiêu, kỳ vọng của bạn sau khi trải nghiệm.
HỌC VẤN
Là 1 trong 4 phần bắt buộc của một chiếc CV, phần này bao gồm một số thông tin cơ bản sau:
- Năm tốt nghiệp (nếu bạn chưa tốt nghiệp, hãy ghi năm tốt nghiệp dự kiến)
- Ngành học của bạn
- Tên trường bạn theo học
- GPA/giải thưởng (nếu có)
Pro tips:
- Chúng mình khuyên bạn chỉ nên thêm thông tin về bằng cấp khác (nếu bạn học song bằng) ngoài chương trình chính bạn đang theo học thôi nhé.
- Bạn có thể ghi thêm điểm GPA, nhưng chỉ nên khi điểm đạt trên 3.0 nha.
- Bạn có thể đề cập đến đề tài nghiên cứu khoa học hoặc các chứng chỉ đặc thù của ngành nghề tham gia để tận dụng tối đa phần học vấn này nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc.
- Một tip đáng chú ý mà chúng mình muốn đề cập là trình tự sắp xếp giữa hai mục: học vấn và kinh nghiệm làm việc. Có một sự thật là phần kinh nghiệm làm việc/hoạt động ngoại khóa thường được đặt trước phần học vấn. Nếu bạn vừa mới tốt nghiệp hay vẫn đang ngồi trên giảng đường và tham gia các cuộc thi khác nhau với số lượng kinh nghiệm ít ỏi, hoặc thời gian tốt nghiệp dưới 5 năm, thì bạn nên để phần học vấn lên trước phần kinh nghiệm làm việc.
KINH NGHIỆM LÀM VIỆC/HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA
Đây chính là phần quan trọng nhất của cả CV.
Khi liệt kê các công việc hay hoạt động đã tham gia, bạn nên điền đầy đủ những thông tin cơ bản sau cho từng vị trí:
- Tên công ty/tổ chức
- Thời gian làm việc/hoạt động
- Vị trí đảm nhiệm
- Mô tả công việc cụ thể
- Thành tích, kết quả đạt được (nên được thể hiện qua số liệu cụ thể)
Từ khóa chính của phần này là: liên quan, súc tích, cụ thể và chính xác. Khi viết CV, chúng ta thường nghĩ về cách tối ưu để sắp xếp những kinh nghiệm để ban giám khảo dễ dàng hiểu và theo dõi những gì bạn viết. Hai cách sắp xếp phổ biến nhất chính là theo trình tự thời gian đảo ngược và dựa trên các kỹ năng. Chúng đều có những ưu điểm nhất định và lựa chọn là ở bạn.
CV sắp xếp kinh nghiệm theo kỹ năng thường được sử dụng tốt nhất là khi thi tuyển vào ngành bạn không có nhiều kinh nghiệm làm việc. Mẫu này cho phép bạn làm nổi bật những kỹ năng mà bạn có sẽ được áp dụng như thế nào vào vị trí.
Một CV theo trình tự thời gian sẽ phát huy tác dụng tối đa khi bạn có nhiều kinh nghiệm làm việc và/hoặc bậc học trong lĩnh vực bạn muốn thi tuyển. Ở phần mô tả công việc cụ thể, lời khuyên là nên tập trung vào những công việc nổi bật, đặc biệt là chứa từ khóa liên quan trực tiếp đến ngành thi.
Hãy cùng xem một ví dụ về cách mô tả công việc thực tập sinh Marketing dưới đây
- Tiến hành nghiên cứu tâm lý khách hàng, chiến lược của đối thủ cạnh tranh, thị trường sản phẩm và đánh giá tình hình hiện tại của công ty X.
- Lên ý tưởng và phát triển chiến lược marketing cho việc tiêu thụ các dòng sản phẩm Y tại hệ thống siêu thị BigC và Coopmart trên toàn quốc.
Trong phần kinh nghiệm làm việc/hoạt động ngoại khóa này, mục thành tích, kết quả đạt được sẽ quyết định phần lớn số điểm. Nhưng làm thế nào để định lượng hóa những thành tựu, nội dung cô đúc nhưng vẫn thể hiện trọn vẹn? Thấu hiểu băn khoăn này, chúng mình sẽ đưa ra một vài phương hướng để bạn có thể áp dụng vào viết mục này hay hơn nhé.
Sử dụng công thức PAR (Problem-Action-Result)
Bên cạnh mô hình S.T.A.R (Situation – Task – Action – Result), chúng ta có thể sử dụng một công cụ khác là P.A.R. Công thức này cũng tương tự với mô hình C.A.R – Context, Action và Result hay S.T.A.R – Situation, Task, Action và Result. Mô hình này đi sâu vào thể hiện kỹ năng giải quyết vấn đề của bạn. Hãy thử lấy một ví dụ với ngành Marketing nhé.
- Thành tựu đạt được: viết bài chuẩn SEO bằng cách phân tích chuyên sâu công cụ Google Analytics, từ đó tìm ra và ứng dụng nhiều từ khóa hơn trong bài viết.
Trong câu miêu tả thành tựu trên, người viết đã áp dụng mô hình PAR như sau
- P-roblem: vấn đề ở đây là viết bài chuẩn SEO
- A-ction: cách giải quyết là áp dụng công cụ Google Analytics
- R-esult: kết quả là có được những từ khóa thông dụng để áp dụng vào bài viết, tăng mức độ ưu tiên xuất hiện trên các công cụ tìm kiếm.
Định lượng kết quả của bạn bằng cách đánh giá cường độ và quy mô của những công việc bạn làm
Về cường độ, hãy thử đặt một vài câu hỏi:
- Bạn đã dành bao nhiêu thời gian để làm các nhiệm vụ?
- Bạn có khả năng hoàn thành bao nhiêu việc trong một khoảng thời gian nhất định?
- Độ phức tạp của công việc bạn đã làm như thế nào?
Chúng ta có thể xem một ví dụ về ngành Marketing
- Lên nội dung cho các mạng xã hội: 3 bài một tuần trên LinkedIn, 3 bài một tuần trên Facebook. Tiếp cận được hơn 10000 khách hàng mỗi tuần với số tiền thu về mỗi tháng là 5 triệu đồng.
Khi xét đến quy mô, chúng ta cũng nên cân nhắc một vài câu hỏi:
- Team bạn có bao nhiêu người?
- Phạm vi hoạt động của bạn là ở trong nước hay có liên kết với tổ chức nước ngoài?
Một ví dụ về ngành HR sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn
- Hợp tác và huấn luyện cho một đội gồm 24 người từ các phòng Sales và vận hành để tìm ra cách cung cấp trải nghiệm ưu việt cho khách hàng
- Cố vấn cho 8 nhân viên đạt được vị trí chuyên viên
Pro tips:
- Tận dụng tối đa 6 bullet points cho mỗi kinh nghiệm làm việc/hoạt động ngoại khóa
- Bạn nên chú ý thì của từ nếu viết CV bằng tiếng Anh: dùng động từ chia ở thời quá khứ cho những việc đã xảy ra, dùng động từ chia ở thời hiện tại: V-ing cho những công việc/hoạt động vẫn đang thực hiện.
- Sử dụng từ ngữ mang tính chủ động. Các bạn có thể tham khảo danh sách các động từ đó ở link này nhé.
- Không nên dùng thuật ngữ chuyên ngành hoặc ẩn dụ.
- Tập trung vào những gì tiêu biểu nhất bạn đạt được ở mỗi hoạt động, hơn là việc liệt kê trách nhiệm như một bản mô tả công việc.
KỸ NĂNG
Đây sẽ là phần tổng hợp và bổ sung những kỹ năng cứng và kỹ năng mềm của bạn. Kỹ năng cứng là những kỹ năng liên quan đến mảng học thuật, những chứng chỉ đặc thù bạn sở hữu như chứng chỉ tiếng Anh, chứng chỉ tin học, chứng chỉ CFA (nếu bạn thi ngành kiểm toán),… Bên cạnh đó, những kỹ năng mềm là những kỹ năng bạn có được qua quá tỉnh làm việc và hoạt động ngoại khóa.
Một số kỹ năng chính của những ngành nghề chiếm ưu thế hiện nay:
- Advertising and Marketing: CRM software, Creative thinking, SEO, Written communication, Data analysation, Google Analytics…
- Sales and customer service: Active listening, Conflict management and resolutions, KPI software, Persuasive speaking…
- Finance: Mathematics, Accounting, Financial analysis,…
Ngoài ra, nếu bạn thi ngành khác với chuyên ngành bạn đang theo học thì hãy cố gắng tìm ra những kỹ năng có thể chuyển đổi – transferable skills mà bạn đạt được từ việc học/làm trong chuyên ngành học. Điển hình là một số kỹ năng:
- Communication – kỹ năng giao tiếp. Bạn có thể đưa vào những từ khóa để thể hiện kỹ năng này rõ hơn: negotiation (đàm phán), public speaking (nói trước đám đông), influencing (tạo ảnh hưởng),….
- Teamwork – kỹ năng làm việc nhóm. Một vài từ khóa là: sharing ideas (chia sẻ ý tưởng), collaboration (hợp tác),…
- Leadership – kỹ năng lãnh đạo. Thêm những từ khóa như: delegate (giao việc), coach (huấn luyện), manage (điều hành),… sẽ giúp bạn chứng minh kỹ năng này hiệu quả hơn đấy.
Pro tip: Khi liệt kê các kỹ năng, bạn nên ghi thêm miêu tả độ thành tạo các kỹ năng đó, ví dụ như “excellent” – xuất sắc, “advanced” – giỏi, hoặc “basic” – sơ cấp.
THÀNH TÍCH NỔI BẬT
Nếu đã từng tham gia các cuộc thi khác trước đây và giành giải/đạt được danh hiệu nhất định, bạn hoàn toàn có thể xếp chúng vào mục này để tăng tính cạnh tranh cho CV của bạn nè.
Pro tips:
- Liệt kê một số thành tích nổi bật như: điểm GPA cao, học bổng, các giải thưởng danh dự, bằng khen trong học tập và công việc
- Liệt kê các thông tin cơ bản theo câu hỏi: thành tích đạt được là gì? Đạt được khi nào? Thành tích đó do tổ chức/cá nhân nào trao tặng?
- Bạn cũng không nên cung cấp thông tin về thành tích đạt được từ hồi cấp 3 vì chúng không cần thiết và có thể chiếm khoảng trống dành cho những phần quan trọng khác.
THÔNG TIN THAM CHIẾU
Phần cuối cùng này không bắt buộc có, nhưng để tăng độ tin cậy hơn cho CV, bạn có thể thêm thông tin về 1-2 người đã từng làm việc hoặc tham gia hoạt động chung với bạn – những người hiểu rõ thiên hướng bạn nhất (và đôi khi có thể là sẵn sàng nói tốt về bạn).
Nội dung của một CV hoàn chỉnh gồm 7 phần, nhưng làm thế nào để trình bày thông tin quan trọng một cách hiệu quả đây? Hãy cùng chúng mình điểm qua một vài lưu ý về mặt hình thức của CV nhé.
HRC hy vọng rằng, qua bài viết này, các bạn đã có một hình dung tổng quan và chi tiết về cách viết CV để chuẩn bị tốt nhất cho những cuộc thi sinh viên sắp diễn ra. Bạn có thể không viết hay ngay lần đầu, nhưng qua quá trình thử, sai và sửa, HRC tin rằng CV của bạn sẽ trở nên xuất sắc hơn nhiều. Chúc bạn thành công!
Discussion about this post