Nhắc đến nghiên cứu, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh những nhà bác học cắm rễ ngày qua ngày trong phòng thí nghiệm, tìm ra câu trả lời cho những chủ đề mang tính “đao to búa lớn” và thay đổi cuộc sống con người. Tuy vậy, nghiên cứu cũng xuất hiện thường xuyên trong đời sống hàng ngày ở những hình hài quen thuộc hơn, như: search Google về cách nấu một món ăn hay đi vòng quanh sân trường khảo sát/survey bằng Google Form… Đặc biệt đối với sinh viên, công việc nghiên cứu còn quen thuộc hơn khi hàng ngày các bạn phải thực hiện hàng tá nghiên cứu để hoàn thiện bài luận trên lớp hay đề án của mình. Dẫu quen thuộc là thế, nhiều sinh viên vẫn chưa thực sự hiểu hết về nghiên cứu là gì cũng như cách nghiên cứu, khai thác thông tin thật đúng cách để đạt hiệu quả tốt nhất. Bài viết sau sẽ cung cấp cho các bạn những kỹ năng cần thiết khi nghiên cứu, sẵn sàng “phá đảo” những bài luận khó nhằn phía trước.
Ngoài ra, kỹ năng nghiên cứu cũng là chìa khóa giúp bạn tiếp cận đến những nguồn thông tin, tài liệu chất lượng một cách bài bản, phục vụ xuyên suốt quá trình học tập đại học cũng như phát triển bản thân. Khi nghiên cứu, bạn có thể mở rộng vốn kiến thức của mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau hoặc đào sâu hơn kiến thức chuyên ngành. Những kiến thức này là nền tảng giúp sinh viên giải thích các vấn đề cuộc sống, công việc cũng như rèn luyện xa hơn các kỹ năng như problem-solving hay tư duy phản biện. Những kỹ năng này không chỉ khiến bạn trở nên “đỉnh” hơn mà còn được đánh giá rất cao trong mắt Nhà tuyển dụng khi đi làm đấy nhé!
Table of Contents
Nghiên cứu là gì nhỉ?
Đó là cách chúng ta đào sâu, tìm hiểu chi tiết về một lĩnh vực, một vấn đề, đặc biệt nhằm mục đích khám phá những thông tin mới hoặc một cách tiếp cận, cách hiểu mới về vấn đề đó. (theo định nghĩa Cambridge Dictionary)
Một chút kiến thức về nghiên cứu để bạn tham khảo nhé
Hàng ngày, chúng ta thường nhìn thấy trên TV hoặc Internet đưa tin về những thành tựu nghiên cứu khoa học mới nhất, ví dụ như nghiên cứu vaccine COVID-19 của các nhà khoa học Đại học Oxford. Đó thường là những nghiên cứu ở mức độ cao, hay còn gọi là primary research. Tuy nhiên, nghiên cứu không chỉ giới hạn ở mức độ cao như vậy mà còn có hình thức nghiên cứu khác dễ thực hiện hơn, giúp các bạn sinh viên hoặc những người mới bắt đầu làm quen với nghiên cứu. Có 2 hình thức nghiên cứu như sau:

Primary research (nghiên cứu sơ cấp): là những nghiên cứu ở mức độ “hard-core” và original, chủ yếu thực hiện bởi những nhà khoa học, chuyên gia kinh tế… nhằm mục đích trả lời một câu hỏi nghiên cứu cụ thể (về một lĩnh vực, khía cạnh nào đó).
Ví dụ: Irakli Loladze (2002) Rising atmosphere CO₂ and human nutrition: toward globally imbalanced plant stoichiometry?. TRENDS in Ecology & Evolution. 17, 457 – 461
Ở primary research, các thông tin, số liệu… được dùng trong quá trình nghiên cứu thường được các nhà nghiên cứu thu thập riêng, không phụ thuộc vào những nghiên cứu trước đó; bằng các cách như: phỏng vấn trực tiếp (qua điện thoại hoặc f2f), khảo sát (online hoặc offline), khảo sát nhóm người, vật (những người, vật có đặc điểm chung hoặc nằm trong phạm vi nghiên cứu)…
Những nghiên cứu ở mức độ này thường rất tốn kém về cả thời gian, chất xám bỏ ra và ngân sách cần để thực hiện nghiên cứu, do đó thường được thực hiện ở quy mô nghiên cứu Nhà nước, phòng nghiên cứu của các công ty tư nhân hoặc các trường đại học.

Secondary research (nghiên cứu thứ cấp): là những nghiên cứu theo hình thức review articles hoặc literature review…. Trong đó, người nghiên cứu tóm tắt, thu thập và tổng hợp thông tin (từ những nghiên cứu sơ cấp trước đó) để trả lời câu hỏi nghiên cứu. Nghiên cứu thứ cấp thực chất là quá trình tổng hợp lại các nghiên cứu sơ cấp theo một cách hiểu mới hoặc cũng để trả lời một câu hỏi nghiên cứu nào đó.
Ở secondary research, các thông tin, số liệu được dùng trong suốt quá trình nghiên cứu chủ yếu cũng lấy từ các primary research trước đó. Do đó, chi phí để thực hiện secondary research sẽ ít tốn kém hơn nhiều, tuy nhiên vẫn yêu cầu nhiều công sức và chất xám của người nghiên cứu.
Trong môi trường đại học, khi nghiên cứu, tìm hiểu về chủ đề, yêu cầu của bài tiểu luận hay thuyết trình, các bạn sinh viên thường thực hiện nghiên cứu theo cách thứ 2 – secondary research. Phạm vi của bài viết cũng sẽ tập trung chủ yếu vào những kỹ năng giúp sinh viên năm nhất có thể thực hiện secondary research một cách tốt nhất.
Ngoài ra, đối với các bạn sinh viên Kinh tế, có một thuật ngữ mà các bạn sẽ thường xuyên gặp phải trong đề thi hay tài liệu kinh tế, đó là Market Research.
Vậy Market Research là gì mà quan trọng với sinh viên Kinh tế như vậy nhỉ?
Market Research (hay nghiên cứu thị trường) là quá trình thu thập thông tin, dữ liệu về người dùng hoặc khách hàng, ví dụ như: hành vi, thói quen, tâm lý mua sắm… để xác định rõ mức độ sử dụng, phổ biến… của một hàng hóa, dịch vụ cụ thể giữa tập người dùng, khách hàng này.
Market Research có vai trò tối trọng đối với một doanh nghiệp. Market research cung cấp những góc nhìn, thông tin thực tế về người dùng và khách hàng – những người trực tiếp mua, sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp. Từ market research, doanh nghiệp có thể xác định những vấn đề như: cách người tiêu dùng tìm hiểu thông tin về sản phẩm; xu hướng thị trường trong ngành hàng; đối tượng khách hàng chính của sản phẩm, hành vi, thói quen mua sắm của họ; rào cản mua hàng của những đối tượng người dùng khác…; qua đó doanh nghiệp có thể định hướng chiến lược phát triển, bán hàng cho phù hợp hơn với người tiêu dùng nhằm thu hút họ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình.
Vậy kỹ năng nghiên cứu sẽ đóng vai trò như thế nào trong câu chuyện đại học? Mình xin phép kể lại những câu chuyện ngày đầu cuộc đời sinh viên của mình.
Tuổi 18, mình bắt đầu chậm hơn các bạn cùng trang lứa. Lúc mình mới nhập học được một thời gian ngắn (phương thức 4) thì cũng là lúc các bạn phương thức khác bước vào kỳ midterm đầu tiên của đời sinh viên. Các group sinh viên K59 nổi lên những bài viết hỏi kinh nghiệm làm tiểu luận hay cách vượt qua tuần teamwork đầy khó khăn và lạ lẫm. Vốn là một tấm chiếu mới nhưng đầy tham vọng, mình đọc không sót một bài đăng, comment nào trong các group ấy. Tuy vậy, lượng kiến thức mình học được sau khi đọc cũng không được bao nhiêu, một phần vì các anh chị thực sự muốn các em năm nhất tự trải nghiệm và ứng biến, do đó những chia sẻ có phần hơi khái quát và mang tính động viên. Mình cũng tự nhủ mọi thứ rồi sẽ ổn như hồi cấp 3, tuy nhiên Đại học là một câu chuyện khác hơn rất nhiều…
Câu chuyện ngày đầu làm tiểu luận vĩ mô và thuyết trình ở lớp
Mình không còn quá lạ lẫm với thuyết trình cũng như các bạn năm nhất, vì hồi phổ thông ai cũng đã ít nhất một lần làm slide hay thuyết trình trong lớp. Tuy nhiên ở đại học, thuyết trình nhiều khi không còn chỉ là câu chuyện “làm cho có” mà nó thực sự quan trọng và diễn ra thường xuyên hơn. Thuyết trình giờ đây đóng vai trò thay thế các bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, lấy điểm thật và do đó cũng phải chỉn chu, đầu tư hơn nhiều. Các thầy cô cũng đặt tiêu chuẩn cao hơn, nhất thiết phải có sự đầu tư đàng hoàng và quan trọng nhất là không được phép copy trên mạng. Thầy cô có rất nhiều cách để kiểm tra nguồn gốc bài thuyết trình hay đề án của bạn. Mình nhớ rõ một nhóm thuyết trình lớp vĩ mô của mình vì copy ý tưởng trên mạng về, lúng túng giữa đề án sơ bộ và đề án chi tiết mà bị thầy phát hiện và không cho phép thuyết trình lại lần thứ hai.
Trong quá trình làm tiểu luận vĩ mô, mình và cả team đã quá quen với việc tìm kiếm trên Google và chỉ chọn những kết quả hiện lên đầu tiên. Khi tìm kiếm, chúng mình cũng tìm hoàn toàn bằng tiếng Việt và chép y nguyên đề bài để tìm kiếm. Kết quả là nguồn thông tin hầu hết đến từ báo tiếng Việt; mặc dù title báo trùng khớp gần hết với tìm kiếm nhưng nội dung bài báo thì thực sự rất ít, chủ yếu là những thông tin ngoài lề hầu như không khai thác được gì. Team mình research nhiều nhưng cũng gặp toàn những bài báo có nội dung giống y hệt nhau, khiến cho đề án và bài thuyết trình thực sự rất sơ sài và thiếu thông tin.
Sau đó, chúng mình đã thay đổi cách tiếp cận vấn đề theo hướng khó hơn. Chúng mình bắt đầu phải tìm kiếm các nguồn tiếng Anh, đọc những bài report dài dằng dặc, dày đặc chữ và đầy các từ học thuật của các tổ chức rất lớn chỉ để tìm một vài thông tin nhỏ. Tuy mất thời gian và công sức hơn nhưng team thực sự hài lòng với tiểu luận, bởi mỗi thông tin dù nhỏ trong tiểu luận cũng được chọn lọc rất kỹ lưỡng.
… đến vòng teamwork thi vào câu lạc bộ
Trước đây, mình chỉ đóng vai trò là “khách hàng” của những sản phẩm từ các câu lạc bộ như khóa học, workshop…; chỉ chờ đợi thông tin hoặc đơn đăng ký tham dự để điền mà thôi. Tuy nhiên, khi apply đến vòng teamwork của thi tuyển CLB, mình buộc phải trở thành người sáng tạo nội dung, thiết kế những sản phẩm đó cho khách hàng của mình. Từ một đứa không biết gì về khách hàng hay thị trường, mình phải liên tục market research rất rất nhiều thông tin về đối tượng khách hàng, vấn đề của khách hàng, nhu cầu của khách hàng và cách thiết kế một giải pháp hợp lý, không bị nhàm chán và đụng hàng trên thị trường… Anh chị trong câu lạc bộ thường nói vòng teamwork sẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất 4 năm học đại học, nhưng với mình nó còn là quãng thời gian mình nghiên cứu nhiều đến như vậy và thực sự làm ra một sản phẩm gì đó to lớn.
Tổng kết lại, dù mới trải qua một thời gian không dài ở môi trường Đại học, mình phải liên tục nghiên cứu, tổng hợp thông tin để hoàn thành những bài tập, đề án về những chủ đề trước đây mình chỉ mới nghe qua. Việc nghiên cứu chính xác, đúng trọng tâm để hoàn thành công việc một cách tốt nhất giữa rất nhiều nguồn là yêu cầu hàng đầu.
Hành trình làm quen với kỹ năng nghiên cứu
Học cách phân tích vấn đề và đặt đúng câu hỏi (asking the right question)
Khi nhận được một đề bài hay một yêu cầu nghiên cứu, điều đầu tiên bạn nghĩ đến trong đầu liệu có phải mình sẽ tra cứu đề bài trên Google ngay tắp lự? Thực tế, việc tra cứu y nguyên đề bài đó có thể sẽ càng khiến đề bài trở nên rối rắm hơn, vì các thông tin sẵn có trên Google thường không phản hồi chính xác từng yếu tố trong một đề bài dài và cụ thể.
“Think outside the box” chính là điều bạn cần làm khi suy nghĩ về một đề bài hay một vấn đề như vậy. Bởi một đề bài, yêu cầu nghiên cứu, dù cụ thể rõ ràng hay tối nghĩa cũng không thể đi ngay đến kết luận và lời giải. Hãy cố gắng phân tích, mở rộng những gì giới hạn trong đề bài, liên tục đào sâu và đặt câu hỏi về đề bài: đề bài này có thể được hiểu/tiếp cận theo những hướng như thế nào? Đề bài gồm những thông tin gì, việc phân tích và tìm hiểu về các thông tin ấy sẽ giúp ích gì trong việc đưa ra kết quả cuối cùng cho đề bài?… Việc liên tục đặt câu hỏi cho đề bài sẽ khiến bạn không bị bỏ lỡ những phần quan trọng của đề bài hoặc thiếu kết nối giữa các phần của lời giải/kết luận. Điều này cũng sẽ giúp lời giải/kết luận của bạn có chiều sâu và được đánh giá cao hơn khi có sự mở rộng, trả lời những câu hỏi không trực tiếp xuất hiện trong đề bài.
Ngoài ra, để kết luận/lời giải thực sự đúng trọng tâm với yêu cầu đề bài, việc đặt đúng câu hỏi cũng là một yếu tố quan trọng. Để làm được điều này, bạn phải thực sự hiểu đề bài của mình cũng như có một lượng kiến thức nhất định về lĩnh vực được đưa ra trong đề bài. Việc liên tục research và đọc nhiều tài liệu sẽ khiến vốn kiến thức của bạn về các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau được mở rộng đáng kể đó!
Mở rộng, làm nguồn thông tin của bạn đáng tin cậy hơn
Điều này đặc biệt khó với các bạn sinh viên năm nhất, do hầu hết các bạn (cũng như mọi người) đã quá phụ thuộc và tin cậy vào thuật toán của Google: chỉ cần gõ và enter thì mọi thông tin các bạn cần sẽ hiện ra và tha hồ lựa chọn. Trên thực tế, chất lượng thông tin, số liệu mà một đề án tốt yêu cầu là rất cao, do đó những kết quả bề nổi của Google hoàn toàn không phải nguồn các bạn nên cân nhắc lựa chọn khi tham khảo. Những thông tin này không hẳn là sai, tuy nhiên độ xác thực và tin cậy của những nguồn thông tin ấy không được đánh giá cao; nếu có các thông tin khoa học thì cũng thường đi dịch lại từ các báo lớn ở nước ngoài như AP, Nature…
Tuy nhiên, trong trường hợp tìm kiếm các thông tin mang tính thời sự như: lời trích dẫn, bình luận của một chuyên gia hay thông tin kinh tế, chính trị, xã hội, các bạn sinh viên năm nhất hoàn toàn có thể dẫn nguồn từ báo chí, và ưu tiên dẫn nguồn trực tiếp từ các báo nước ngoài hoặc báo tiếng Việt (không phải bài đi dịch lại). Bạn cũng nên lưu ý rằng, nguồn thông tin báo chí thường ít khi phản ánh tin tức ở mức độ minh bạch và nguyên bản nhất mà thường khéo léo lồng ghép các từ ngữ thể hiện chính kiến của tòa soạn về tin tức đó.

Một số tờ báo trung thực, đáng tin cậy như: Associated Press (AP), Reuters, Bloomberg…
Và quan trọng nhất, các nguồn thông tin đáng tin cậy nhất, giúp bạn tiếp cận những nghiên cứu khoa học công phu, chất lượng có thể kể đến: Google Scholar, ScienceDirect, Springer… Những nghiên cứu được đăng tải và xuất hiện trên các nguồn thông tin này bao gồm cả primary research và secondary research, trải rộng trên nhiều lĩnh vực cả về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Đừng vì thấy nhiều chữ mà ngại đọc báo cáo của những tổ chức lớn
Như đã nói ở trên, báo cáo của các tổ chức phi chính phủ (NGOs) lớn như: IMF, UNDP… thường nặng tính học thuật, có thể nói dày đặc chữ và toàn những từ ngữ học thuật xa lạ, và sau khi đọc một báo cáo dài hàng trăm trang chỉ chọn được 1-2 thông tin phù hợp là chuyện bình thường. Điều khó khăn tiếp theo đối với sinh viên năm nhất là những tài liệu, báo cáo như thế này thường viết bằng tiếng Anh. Do đó, ngoài khả năng phân tích đề bài, sinh viên còn phải chuẩn bị một lượng từ vựng tiếng Anh kha khá, đủ để đọc hiểu và chọn lọc được thông tin phù hợp cho bài làm của mình.
Mặc dù tốn thời gian và tốn công sức là vậy, việc nghiên cứu và tìm kiếm thông tin từ báo cáo của các tổ chức lớn thực sự sẽ giúp chất lượng đề án của sinh viên đi lên rất nhiều. Thông tin trong các báo cáo thường rất đầy đủ, chi tiết; có cơ sở, phương pháp nghiên cứu rõ ràng, do đó độ tin cậy và chính xác được đảm bảo, đáp ứng yêu cầu cao của đề án.
Tập sử dụng các công cụ, phần mềm hỗ trợ research như Zotero

Đối với mỗi đề án hoặc bài thuyết trình, khối lượng tài liệu, nguồn thông tin thường rất nhiều và khó kiểm soát hết, đặc biệt khi mỗi tài liệu có khi chỉ lọc được 1-2 thông tin nhưng vẫn cần thiết phải liệt kê vào mục Tham chiếu. Do đó, để thuận tiện hơn trong quá trình nghiên cứu, tìm kiếm thông tin và viết Tham chiếu sau này, các bạn sinh viên có thể tham khảo những công cụ phục vụ lưu trữ tài liệu, nguồn tham khảo cho một nghiên cứu như Zotero.
Cách sử dụng Zotero rất đơn giản. Bạn có thể tham khảo cách sử dụng Zotero thuần thục chỉ sau 30 phút tại đây.
Lời kết
Đại học thực sự là một môi trường đề cao tính tự học, tự nghiên cứu và sự sáng tạo ở mỗi sinh viên. Đặc biệt đối với sinh viên năm nhất, các bạn nên tự chuẩn bị cho mình những bước đi đầu tiên thật vững chắc vào môi trường học thuật bằng cách trang bị kỹ năng nghiên cứu, phục vụ việc học tập giai đoạn đầu cũng như khối lượng công việc sau này.
Discussion about this post