Freshers’ Day là chuỗi sự kiện giúp bạn mở khóa “cánh cửa” đến với công việc đầu tiên, gắn bó lâu dài dành cho sinh viên Kinh tế năm 4 sắp ra trường, thông qua những chuyện nghề và chuyện đời được kể bởi người trẻ thành công cùng cơ hội lần đầu tiếp xúc với các vị trí mới nổi trên thị trường, giúp sinh viên có thể tìm được công việc như ý. Các hoạt động chính của Freshers’ Day bao gồm: 2 buổi Coffee Talk về 2 lĩnh vực Finance và Supply Chain Management – định hướng, chia sẻ kinh nghiệm từ những người đi trước trong 2 lĩnh vực tuy không mới nhưng vẫn rất hấp dẫn này; Chuỗi bài viết, video Job Review 3 ngành nghề mới: Business Analyst, Business Development trong E-Commerce và Product Owner; Chuỗi Job-list theo ngành.
Bài Job Review: “Công việc thực tế Business Development ngành E-Commerce” nằm trong khuôn khổ chuỗi bài viết Job Review của Freshers’ Day – nhằm giới thiệu những công việc, vị trí còn mới lạ trên thị trường tới các bạn sinh viên nói chung và sinh viên Kinh tế nói riêng trước ngưỡng cửa tốt nghiệp, giúp các bạn có cái nhìn rộng hơn về cơ hội việc làm, từ đó tìm cho mình lối đi phù hợp đến công việc gắn bó lâu dài đầu tiên.
Về Business Development, Business Development nhìn chung vẫn còn là một ngành nghề rất mới. Business Development trong lĩnh vực E-Commerce lại càng xa lạ, ít thông tin trên thị trường tuyển dụng. Business Developer trong ngành E-Commerce là những người làm công việc phát triển kinh doanh cho các công ty Thương mại điện tử hiện nay. Trong bối cảnh thị trường E-Commerce ở Việt Nam từ lâu đã khốc liệt với cuộc đua đốt tiền giành thị phần của các công ty E-Commerce lớn, BD thực sự phải gánh vác trách nhiệm rất lớn, là người mang lại khác biệt cho công ty so với các đối thủ khác hoặc khiến công ty trở nên thất thế trong cuộc đua này.
Hãy cùng HRC phỏng vấn anh Thái Khắc Hưng – một Business Developer, đồng thời là Founder, CEO của Dream Agency, một công ty kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử để có góc nhìn chân thực, chi tiết hơn về ngành nghề này nhé!
Anh có thể giới thiệu một chút về bản thân mình, công việc hiện tại cũng như sơ qua về vị trí Business Development được không ạ?
Anh tên là Thái Khắc Hưng, hiện tại anh đang là Founder và Giám đốc điều hành (CEO) của Dream Agency – một công ty kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Trong bài viết này, anh sẽ chia sẻ với mọi người về một công việc rất mới trong ngành thương mại điện tử: Business Development. Business Development (BD) có thể hiểu đơn giản là việc phát triển, thúc đẩy công việc kinh doanh của nhãn hàng trên nền tảng thương mại điện tử thông qua việc nghiên cứu và phân tích dữ liệu thị trường, từ đó đưa ra kế hoạch bán hàng và marketing cho nhãn hàng đối tác.
Anh nghĩ công việc BD trong một công ty E-Commerce có gì đặc biệt so với BD ở các công ty thuộc lĩnh vực khác?
BD theo đúng như tên gọi của nó là phát triển kinh doanh. Tuy nhiên theo anh, BD trong E-Commerce sẽ khác BD trong các ngành nghề khác ở chỗ BD E-Commerce sẽ không chỉ phát triển kinh doanh cho công ty, agency của mình mà còn chịu trách nhiệm phát triển kinh doanh cho đối tác, ví dụ như đề xuất các chương trình marketing, kế hoạch bán hàng…. để giúp các nhãn hàng, công ty đối tác tăng doanh số, tăng độ nhận diện thương hiệu trên thị trường. Đó là điểm khác biệt lớn nhất của BD trong E-Commerce so với các BD khác.
Anh có thể chia sẻ về một ngày làm việc của anh với vai trò là BD không ạ?
Bất cứ dự án kinh doanh nào với các đối tác, BD cũng cần follow các kế hoạch dài hạn theo tháng, tuần… từ đó sẽ đưa ra được các to-do-list hàng ngày để cập nhật tiến độ công việc. Công việc hàng ngày của một BD thường bao gồm:
Làm việc với khách hàng, đối tác hay các chương trình marketing, khuyến mãi…; xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành và phát triển gian hàng của khách hàng, đối tác.
Làm việc với các bộ phận chuyên môn trong công ty như: digital marketing, content marketing, sales, media…
Theo dõi, tracking các dữ liệu, báo cáo về hiệu quả hoạt động của gian hàng hằng ngày như số lượng order, tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate – CR)… Ví dụ khi CR bất ngờ giảm đột ngột, BD sẽ phân tích, tìm ra nguyên nhân và cùng với khách hàng đưa ra giải pháp để khắc phục vấn đề.
Nghiên cứu, cập nhật thị hiếu và xu hướng mới của thị trường để giúp đỡ khách hàng trong kế hoạch, định hướng phát triển gian hàng.
Anh nghĩ như thế nào về tiềm năng phát triển của ngành Business Development hiện tại và trong tương lai?
Có một thống kê anh từng đọc được: tính đến năm 2019, ngành thương mại điện tử của Trung Quốc đã chiếm tới 36.6% doanh thu trên tổng doanh thu bán lẻ. Còn ở Việt Nam, con số này mới chỉ là 1.9%. Dự báo đến năm 2023, tỉ trọng ngành thương mại điện tử Trung Quốc so với thị trường bán lẻ sẽ tăng lên mức 64%. Đây là một con số rất lớn, cho thấy tiềm năng cũng như cơ hội trên thị trường thương mại điện tử. Thậm chí ở Trung Quốc thì chiến lược phát triển thương mại điện tử đã trở thành một chiến lược quốc gia. Ở Việt Nam thì anh nghĩ ngành thương mại điện tử đi sau Trung Quốc khoảng 10-15 năm, vì thế cơ hội và tiềm năng phát triển vẫn còn rất lớn. Đặc biệt đối với nghề BD trong E-Commerce thì tiềm năng còn lớn hơn nữa, do đây là một ngành nghề cũng mới. Do đây là ngành nghề mới nên các nhãn hàng thường sẽ tìm đến các sàn thương mại điện tử là một kênh phân phối dễ nhất để bắt đầu. Các bạn có thể trở thành 1 BD trong các công ty về nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… hoặc các công ty, agency cung cấp giải pháp thương mại điện tử. Ngoài ra, việc bắt đầu sự nghiệp bản thân với BD thì lộ trình phát triển tương lai của các bạn cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn, phát triển lên các vị trí cao hơn như quản lý, giám đốc nhãn hàng…. hoặc sau này các bạn hoàn toàn có thể tự bắt đầu hoạt động kinh doanh riêng của mình.
Anh bắt đầu công việc Business Development như thế nào ạ?
Cơ duyên đến với công việc xuất phát từ niềm đam mê bán hàng của anh. Hồi Đại học, anh đã tự mở một agency bán hàng nho nhỏ, cũng bắt đầu từ các nền tảng như website, Facebook và các sàn thương mại điện tử. Sau một thời gian khi anh tích lũy được một lượng kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực bán hàng, anh quyết định thành lập Dream Agency, chuyên về tư vấn bán hàng cho các doanh nghiệp trên sàn E-Commerce. Công ty anh cũng có vị trí BD, là vị trí trực tiếp làm việc và duy trì mối quan hệ với các khách hàng đối tác.
3 điều anh yêu thích nhất ở công việc Business Development ngành E-Commerce là gì ạ?
Học hỏi được nhiều kiến thức mới về kinh doanh , không chỉ ở các lĩnh vực quen thuộc như Marketing, Sales… mà còn về Thanh toán, Logistics,… tất cả những kiến thức cần để một mô hình kinh doanh bán hàng đạt hiệu quả.
Phát triển nhiều kỹ năng: nghiên cứu thị trường, lập kế hoạch, đề xuất ý tưởng, kỹ năng đàm phán với đối tác…
Mở rộng, phát triển network: do đặc thù công việc BD tiếp xúc nhiều với đối tác, kể cả giám đốc, CEO…. từ đó học hỏi kiến thức, tư duy phát triển doanh nghiệp.
Anh có gặp phải khó khăn gì khi làm BD trong một công ty E-Commerce không ạ?
Bởi thương mại điện tử là một lĩnh vực mới bùng nổ, còn khá mới với hầu hết mọi người, nên anh có gặp phải một số khó khăn như:
Lượng thông tin về nghề BD trong lĩnh vực E-Commerce còn ít, gặp hạn chế trong việc tiếp cận nên anh cần tìm hiểu nhiều thông tin, kiến thức cũng như va chạm với ngành nghề từ sớm để hiểu hơn về ngành.
Khách hàng đối tác của anh cũng có ít kinh nghiệm trong việc phát triển kinh doanh, bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử, do đó anh mất nhiều thời gian hơn để giúp đối tác hiểu được những kế hoạch, chiến lược marketing, bán hàng… mà công ty anh đề xuất với họ. Ví dụ như khi anh đề xuất một chương trình giảm giá, khuyến mãi rất mạnh hoặc tặng kèm sản phẩm khi mua hàng, khách hàng đối tác sẽ thắc mắc nếu làm như thế thì sẽ lỗ rất nặng hoặc không thể giảm giá ở mức như vậy. Khi đó, anh sẽ phải giải thích là khi áp dụng những chương trình như thế, nhãn hàng đối tác sẽ thu hút được một lượng lớn người tiêu dùng mới follow sản phẩm hoặc tăng traffic, đẩy sản phẩm lên đầu trang mua sắm. Nhìn chung, mình sẽ cần phải giúp khách hàng hiểu được những chiến lược kinh doanh bền vững trong ngành thương mại điện tử.
Anh nghĩ các bạn sinh viên cần trang bị những kiến thức, kỹ năng gì để chuẩn bị cho nghề BD từ bây giờ ạ?
Về kiến thức, các bạn cần trang bị: thứ nhất là kiến thức về các lĩnh vực Marketing và Sales; thứ hai là kiến thức về ngành thương mại điện tử và các công việc liên quan như: thanh toán, logistics, vận chuyển, kho bãi… ; điều cuối cùng và cũng rất quan trọng là kiến thức về các ngành hàng như: Mẹ và bé, thời trang, điện tử… Khi các bạn hiểu rõ về ngành hàng rồi thì các bạn mới có thể tư vấn sản phẩm tốt cho khách hàng.
Về kỹ năng, theo anh nghĩ thì các bạn BD cần khá nhiều kỹ năng và tương đối toàn diện. Thứ nhất là kỹ năng nghiên cứu thị trường. Thứ 2 là khả năng phân tích dữ liệu (data analysis). Thứ 3 là kỹ năng đàm phán như anh đã nói ở trên. Thứ 4 là kỹ năng lập kế hoạch, đề xuất chiến lược cho khách hàng. Điều cuối cùng anh nghĩ cũng rất quan trọng là khả năng thích nghi và chịu áp lực với công việc; do BD là công việc chịu áp lực rất lớn nên sự bền bỉ sẽ là một hành trang vững vàng cho các bạn có ý định trở thành BD trong tương lai.
Anh có thể chia sẻ một số cách bắt đầu nghề BD cho các bạn sinh viên được không ạ?
Đối với các bạn sinh viên, anh nghĩ rằng điều quan trọng nhất đối với các bạn vẫn là việc học. Môi trường Đại học có thể giúp các bạn trang bị rất nhiều kỹ năng, kiến thức về Marketing, Logistics, Kinh tế quốc tế… đều là những kiến thức cần thiết khi làm việc trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Ngoài ra, một điều quan trọng thứ hai đối với sinh viên là các bạn nên tận dụng cơ hội tham gia các tổ chức sinh viên, câu lạc bộ… Đối với BD, anh nghĩ một kỹ năng rất quan trọng đó là kỹ năng đàm phán. Ở các tổ chức sinh viên hay câu lạc bộ, theo anh được biết thì đều có các ban như ban Đối Ngoại hoặc các vị trí điều hành, lãnh đạo được làm việc, tiếp xúc thường xuyên với đối tác, nhà tài trợ… sẽ giúp ích cho việc phát triển kỹ năng đàm phán của các bạn rất nhiều.
Điều thứ 3 anh nghĩ các bạn có thể chuẩn bị cho công việc BD trong ngành thương mại điện tử là các công việc làm thêm, internship… tại các công ty E-Commerce hoặc các agency cung cấp giải pháp thương mại điện tử. Dần dần, các bạn sẽ tích lũy được thêm kinh nghiệm để trang bị vững chãi hơn, sẵn sàng apply cho các vị trí full-time khi đi làm sau này.
Cách thứ 4 khi các bạn không muốn thử các cơ hội bên ngoài như tổ chức sinh viên, thực tập… các bạn có thể tham khảo cách làm của anh, tự tạo cơ hội cho chính mình bằng cách mở các cửa hàng, agency riêng.
Anh có lời khuyên cuối cùng nào muốn dành cho các bạn sinh viên không?
Trong một cuộc hội thoại giữa PewPew và Viruss, khi được PewPew hỏi mình có sợ không, Viruss đã trả lời rằng: “Không, tôi chẳng sợ gì cả. Trong lúc người ta còn phải nghĩ có nên sợ hay không thì tôi đã chuẩn bị để thất bại không bao giờ đến”. Và anh nghĩ rằng điều quan trọng nhất đối với một bạn sinh viên khi theo đuổi không chỉ BD mà bất cứ ngành nghề nào là sự chuẩn bị. Khi các bạn chuẩn bị đủ tốt thì các bạn đã đi nhanh hơn rất nhiều người khác, cộng với sự tự tin dám nghĩ, dám làm, dám đề xuất nhiều ý tưởng táo bạo, dù thành công hay thất bại thì các bạn cũng sẽ có được nhiều bài học giá trị. Cuối cùng thì các bạn nên cập nhật thật nhiều những thông tin, xu hướng mới của thị trường vì thương mại điện tử luôn thay đổi theo xu hướng phát triển của công nghệ. Hãy thật sự quyết liệt, kiên định với công việc các bạn đã lựa chọn, một ngày nào đó các bạn sẽ gặt hái được quả ngọt. Chúc các bạn sẽ tìm thấy thật nhiều giá trị trên con đường đến với ngành E-Commerce!
Rất cảm ơn anh Thái Khắc Hưng vì đã dành thời gian chia sẻ những kinh nghiệm của anh với HRC và với những bạn sinh viên đang có ý định tìm hiểu về nghề Business Development trong E-Commerce ạ. Những chia sẻ của anh rất thực tế và sẽ giúp ích cho các bạn sinh viên nhiều trong việc lên kế hoạch tương lai ạ.
Discussion about this post