[Find your fit] Chênh vênh tuổi 18, từ đâu mà có?
[Find your fit] 4 Môi Trường Giúp Sinh Viên Năm Nhất Bứt Phá
Để mình kể một vở kịch mà hầu như trước kì thi nào mình cũng diễn. Ngày kia mình có một môn thi, trong đầu mình hiện tại không có một chữ nhưng hôm nay mình lại lỡ hẹn kèo đi “quẩy” với bạn rồi? Ngay từ cảm giác đầu tiên mình đã biết rằng đây phải là một đêm “chơi tới bến” (điều THÍCH làm). Nhưng nếu mình không học bài (điều PHẢI làm) thì sao? Nguy cơ rất cao là mình sẽ để “nước mắt rơi trên tờ giấy làm bài” và xa hơn một chút sẽ là một cơn bão có hình chứ D hoặc F kéo đến.
Nếu mình không tự nhận thức được cái giá phải trả cho cuộc chơi đó, không tự nghiêm khắc với mình để không xuôi theo dòng nước của cảm xúc thì ở điểm cuối của dòng sông, một vật thể hình thù chữ F sẽ đứng đó chờ mình như nhờ một người tri kỉ. Cám dỗ luôn thường trực ở bất kì đâu trên dòng chảy của cuộc sống, chờ đợi thời cơ làm bẩn dòng sông.
Và cách cơ bản nhất để tất cả mọi người có thể vượt qua cám dỗ, nó gọi là Self-discipline.
Self-discipline là gì?
Đó là cách chúng ta kiểm soát bản thân, làm những điều mà lí trí mách bảo nên làm dù rằng chưa chắc mình thích làm điều đó không (bài toán chọn con tim hay là nghe lí trí đấy).
Self-discipline là câu chuyện về cách mà mình cân bằng cảm xúc, vượt qua những cám dỗ trước mắt (những cuộc chơi tới bến với bạn bè, những đêm ngồi săn sales,vv) để hướng đến với những giá trị lâu dài hơn nhưng cũng thường khô khan hơn (điểm số, học bổng, sức khỏe).
Vậy self-discipline sẽ đóng vai trò gì trong câu chuyện đại học? Mình xin phép kể lại hành trình năm đầu chẳng có mấy gam màu hường của mình?
Câu chuyện ngày đầu năm học:
Từ kinh nghiệm năm 1 bão tố của mình và đa phần bạn bè, mình có thể mạnh dạn khẳng định: Đại học có rất nhiều thứ cần phải làm. Làm quen với cuộc sống mới, môi trường mới, trường lớp mới, khung giờ sinh hoạt mới, bạn bè mới, vv Cái gì cũng khác so với trước đó và hầu như tất cả chúng mình đều cần dành thời gian để tìm hiểu lại từ đầu. Quỹ thời gian một ngày của chúng mình thì vẫn thế: gói gọn trong 24 tiếng, không hơn không kém. Kiểm soát thời gian giờ đây đã trở thành kĩ năng bắt buộc có để một ngày không trôi đi trong muộn màng. Dù cũng đã đề ra công việc từng ngày, thì cũng đã có đầy lúc mình yếu lòng…
Câu chuyện ngày ôn thi:
Mình đã cố thử học dàn trải, mình biết mỗi ngày tự học thì việc ôn thi cuối kì sẽ dễ dàng hơn khi mình không phải ôm hết một quyển giáo trình và trông chờ vào việc được Thần Xoài phổ độ. Nhưng dù đã nhìn thấy những điều hiển nhiên đó, mình cũng chẳng thể theo được kế hoạch này. “Một ngày của tao nhiều việc lắm”, “hôm nay tao hơi mệt nên chắc mai học nhé”. Đấy là những câu đã đi với mình xuyên suốt những ngày năm nhất.
Với sinh viên, ngày mai là danh từ không xác định
Đại học không cho chúng ta quá nhiều thời gian. Kiến thức nơi đây khó nhằn hơn, mới hơn và chắc chắn không dễ để làm quen. Và tất nhiên, mình bị ngợp trước điều này. Câu chuyện đầu tiên kết thúc rằng, mình “toang” mất 2 môn học mà mình tự tin nhất, tự tin rằng chỉ cần nghe hiểu trên lớp là đủ và cuối cùng mình bị chính cái tự tin màu hường đó bóp nghẹt trong giờ thi.
Câu chuyện câu lạc bộ, đi làm:
Dù mình đã có trải nghiệm mô hình CLB từ cấp 3 thì CLB ở đại học vẫn sẽ là một thế giới hoàn toàn khác, to hơn, lộng lẫy hơn, và được xây dựng bởi nhiều tâm huyết hơn. Năm nhất mình rất tham công tiếc việc, mình vừa tham gia 1 CLB lại còn vừa đi dạy thêm, nhiều lúc điều đó khiến mình cảm thấy rất áp lực và mệt mỏi. Giờ giấc sinh hoạt của mình đảo lộn, mình thường xuyên phải cắt giờ ngủ để có thêm thời gian chạy deadline vì đã phải đi dạy thêm cả chiều.
Và về những cuộc vui:
18 tuổi là lần đầu mình thực sự rời xa nhà. Trước đây bố mẹ có rất nhiều ảnh hưởng đến việc ra quyết định của mình, thúc đẩy mình chuyên tâm học hành và rèn luyện bản thân nhiều hơn. Lên đại học là lúc được toàn quyết quyết định việc chơi hay học. Cuộc vui ở đại học thì cứ đến liên tục: chào tân sinh viên, giáng sinh, tết dương, vv. Vèo cái nghỉ tết âm, tiến thêm một chút nữa đã đến mùa quân sự đầu tiên và duy nhất của tuổi sinh viên và, chẳng mấy thì hết năm nhất. Mình cũng không đi chơi nhiều, chỉ tham gia những sự kiện lớn kể trên nhưng như các bạn có thể thấy, nó ngốn cũng chẳng ít thời gian của mình.
Tổng kết lại, ở năm nhất của mình, không thường xuyên những điều mình thích làm sẽ ăn khớp với những điều mình nên/phải làm. Đấu tranh tâm lý là điều mà ngày qua ngày mình đề phải làm.
Hành trình tự thức bản thân
Cuối cùng, mình đã self-discipline như thế nào để vượt qua những ngày đầu không được “êm đềm trướng rủ màn che” vậy? Mình đã tự đẩy mình trưởng thành hơn như thế nào?
1. Đối diện với bản thân, chấp nhận và đi tiếp
Gần như bất kì ai cũng sẽ gặp rất nhiều vấn đề trong ra quyết định và cải thiện bản thân. Có thể chúng ta biết rõ bản thân kém mảng nào nhưng thường đa phần mọi người sẽ có xu hướng lảng tránh yếu điểm của mình và đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Mình cũng vậy “Mình ít thời gian chứ không phải là mình kiểm soát thời gian tệ”, “mình chưa đi tập thể dục nhiều được vì đợt này bận”.
Điều quan trọng nhất cần nắm được là mình phải học cách chấp nhận những điểm yếu của chính mình. Kiểm soát thời gian tệ, sức khỏe kém, giao tiếp không lưu loát, vv Những yếu điểm này hoàn toàn không thể cải thiện trong một sớm một chiều mà nó sẽ là phần thưởng nơi cuối con đường của hành trình cố gắng. Điều này đã tạo ra một bẫy tâm lí: sự trì hoãn.
Hãy dừng việc thỏa hiệp lại và đối mặt với chính mình!
Mình thích đồ ngọt và không thể cưỡng lại những đam mê với đồ ngọt. Mình từng căm ghét phần đó của mình vì nó khiến mình gặp rất nhiều vấn đề về cân nặng. Mình cố chối bỏ phần con người đó của mình và lao đầu vào vòng luẩn quẩn trong việc đổ lỗi. Mình không dám nhìn nhận rằng mình thật sự cuồng đồ ngọt mà viện cớ rằng mình ăn là vì được mua tặng, là do không có gì khác để ăn.. Chỉ khi chấp nhận những tật xấu đó là một phần của mình, chúng ta mới có thể buông bỏ để đi tiếp.
Lưu ý: Khoảng cách giữa né tránh trách nhiệm và giới hạn của khả năng rất khó phân định. Trước khi làm tổn thương chính mình, hãy thật sự lắng nghe, thấu cảm mình và trả lời một câu hỏi: Liệu mình đã cố hết sức chưa?
sự thật rằng mình đã cố gắng hết sức
2. Đặt ra những cột mốc, cam kết với nó
Lên đại học, ra khỏi sự kiểm soát của gia đình, mình hóa thân thành Hedwig trong Harry Potter. Ngày ngủ đêm bay, mình từng thất bại trong việc ép mình đi ngủ lại vào lúc 11 giờ. Đầu tiên, chính bản thân cơ thể mình không chấp nhận điều đó khi cảm giác buồn ngủ vào lúc 11h là thứ không tồn tại sau một thời gian quá dài làm cú. Sau đó, mình thấy kiệt quệ khi nằm dài 1 tiếng nhìn cái trần nhà trong lúc giấc ngủ mãi không tới. Và thế là chiến dịch sống “Make Me Healthy Again” kết thúc sau một ngày triển khai.
Đó là câu chuyện có thể gặp trong những ngày đầu tiên của bất cứ ai. Chúng ta dễ dàng bị thu hút bởi 1 bài báo phân tích tác dụng của việc ngủ sớm và hào hứng triển khai kế hoạch “Heo Thì” luôn trong khi chưa cân nhắc đến tính khả thi. Xây dựng một thói quen cần rất nhiều thời gian, tẩy xóa lại một thói quen cũ còn khó khăn hơn vạn lần. Cố gắng khi tạo dựng một thói quen thì hãy hạn chế tối đa việc tiếp nhận một thói quen xấu.
Chỉnh sửa lại thói quen đã lệch lề, chúng ta cần dịch chuyển nó từng ngày một. Quay trở lại với câu truyện ngủ sớm của mình. Hồi đó, hàng ngày mình ngủ vào lúc 2h sáng, mình đã hãy đặt ra cho bản thân những cột mốc nhỏ để từng chút một, vặn lại giờ cho chiếc đồng hồ sinh học. Ngày đầu tiên ngủ sớm hơn hôm trước 10/15 phút, duy trì điều đó trong 3 ngày rồi lại tiếp tục đẩy sớm thời gian lên 10/15 phút Khoảng tầm 2 tháng sau, mình đã động lên giường vào lúc 11h (duy trì được điều này sau đó cũng rất khó khăn).
Hãy cố gắng tách nhỏ những cột mốc làm phần thưởng cho sự cố gắng liên tục của bản thân.
Lưu ý: Cần cực kì nghiêm túc cam kết với từng mốc nhỏ. Việc chúng ta phân tách thật nhỏ khối lượng công việc ra là để đảm bảo mình có thể thực hiện được. Chỉ cần đứt mạch 1 ngày thôi là công sức của chúng ta trong giai đoạn trước đó sẽ đổ sông đổ bể.
3. Khi chuẩn bị từ bỏ, nghĩ về lí do mình bắt đầu:
Tiếp nối phần trên, không phải lúc nào khối lượng công việc và tâm trạng của mình cũng sẽ ổn định như đã dự kiến. Chắc chắn sẽ có những ngày cực kì cám dỗ, những hôm kiệt quệ đến mức chỉ muốn lao ngay đi nghỉ. Bất kì lúc nào bạn cảm thấy mệt mỏi khi phải duy trì thói quen mới này, hãy nhớ về lí do mà bạn đã bắt đầu thực hiện việc này. Cảm xúc không phải yếu tố tiên quyết để duy trì một thói quen tốt nhưng cũng đừng vì thế mà xem nhẹ nó.
Hãy trân trọng từng cố gắng của bản thân để khi chuẩn bị từ bỏ, sẽ có thứ kéo bạn lại.
Lời kết
Hành trình tự kiểm soát bản thân của mình đã gặp rất nhiều khó khăn. Mình yếu lòng và thường dễ dãi với bản thân. Để cân bằng được cuộc sống hàng ngày là cả một sự cố gắng rất nhiều của mình.
Câu chuyện của mình cũng có thể là câu chuyện chung của bất kì ai, nhưng đừng quá lo lắng nếu bạn mãi chưa tìm thấy lối ra cho bản thân.
Where there is a will, there is a way
Discussion about this post