Mô hình kinh doanh của doanh nghiệp FMCG và xu hướng phát triển
Table of Contents
Phần 1: Dịch và Việt Nam
Năm 2020 là một năm rất đặc biệt trong lịch sử nhân loại khi toàn thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19 khi nó không chỉ cướp đi sinh mạng của gần 1 triệu thành viên trên thế giới mà còn đồng thời mang tới những biến động kinh tế khó lường. Các chuyên gia dự báo rằng sẽ có một cuộc đại khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử trong tương lai không xa.
Từ vị thế một nước đang phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,3% GDP mỗi năm, kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng như thế nào?
1.Tổng quan
Tính riêng 2 quý đầu năm, kinh tế Việt ghi nhận con số tăng trưởng dương 1,81%. Con số tuy thấp hơn nhiều so với cùng kì các năm nhưng trong tình trạng nhận cú đánh cực mạnh từ dịch vào tháng 2, đất nước phải tiến hành cách ly xã hội, thì đây vẫn là một con số đáng khen ngợi. Diễn biến khó lường của dịch khi đã từng tái bùng phát vào cuối tháng 7, tất cả kế hoạch, mục tiêu của doanh nghiệp và quốc gia đều phải hệ thống lại lần nữa một cách hết sức cẩn trọng. Với cột mốc 2040 sẽ trở thành nước đang phát triển có thu nhập cao, Việt Nam còn phải nỗ lực rất nhiều.
Rất nhiều ngành, lĩnh vực đã phải tiến hành cắt giảm nhân lực, nhiều doanh nghiệp phải tiến hành giải thể trong 2 quý đầu năm nay. Cụ thể số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm nay đã tăng tận 41% so với cùng kì năm ngoái, 30,5% doanh nghiệp đã phải cắt giảm nguồn lực nhân sự (nguồn lực nhân sự bao gồm: nhân sự, lương và phúc lợi). Quý 2 năm nay cũng đã ghi nhận một kỉ lục buồn với 2,51% tỷ lệ thất nghiệp, con số cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Ở đầu sinh viên thì tại các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch, 20,9% thực tập sinh đã bị gạch tên khỏi danh sách thành viên. Đồng thời, khi được khảo sát về nhu cầu tuyển dụng trở lại sau khi dịch đã bình ổn, những công ty trên cũng chỉ mong muốn tuyển thêm 4,5% nhân sự là thực tập sinh.
Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho sinh viên và những cử nhân mới ra trường rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm công việc phù hợp với năng lực hiện tại của bản thân khi không nhiều bên sẵn sàng đầu tư đào tạo nhân lực trẻ.
2. Cụ thể về ngành thì ra sao?
Cú vấp không ai nghĩ tới
Đến cả những người bay bổng nhất cũng khó có thể tưởng tượng chính xác ra được viễn cảnh như hiện tại về sự càn quét của covid-19 khi 2 lần bùng phát đã kéo nhiều ngành, lĩnh vực trên cả nước đi xuống. Đặc biệt là những ngành mang tính chất giải trí, phục vụ đời sống tinh thần hoặc liên quan đến giao thương quốc tế.
Du lịch, nhà hàng, khách sạn
Với ngành du lịch, con số 3,7 triệu khách du lịch quốc tế (giảm 66,6% cùng kì) từ đầu năm cũng đã phản ánh phần nào sự ảm đạm. Đến tháng 6, đã có hơn 140 doanh nghiệp xin dừng hoạt động bởi dịch, 90% doanh nghiệp lữ hành tại Hồ Chí Minh cũng đã phải tạm dừng hoạt động trong đợt bùng phát thứ 2. Nhu cầu ăn uống, nhà hàng trong nước cũng theo đó mà giảm hẳn. Chắc chắn, 2020 sẽ là bước hụt lớn của du lịch Việt.
Tuy nhiên đây cũng mở ra cơ hội cho Việt Nam khi có vị thế mới trên thị trường du lịch quốc tế: nước kiểm soát dịch thành công. Điều này có thể kì vọng rằng nhu cầu nhân lực trong ngành này cũng sẽ sớm phục hồi trong tương lai gần.
BĐS, xây dựng
Một thị trường nữa cũng bị thiếu máu nặng trong dịch là bất động sản và xây dựng. 600 doanh nghiệp ra đi, 56% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiến hành cắt giảm. Đầu cầu của thị trường này đã bị thụt giảm nghiêm trọng khi người tiêu dùng hiện không sẵn sàng để đầu tư những khoản yêu cầu lớn đến thế và có xu hướng tăng nhiều hơn vào phần tiền tiết kiệm trong thời gian này.
Chính các nhà đầu tư của các doanh nghiệp bất động sản cũng đang muốn bảo vệ nguồn vốn của mình nên trong thời gian này, các công trình thi công cũng tạm thời bị trì trệ khiến các doanh nghiệp phải cắt giảm nhân lực, tránh tình trạng nuôi báo cô.
Ổn định chờ thời
Logistics
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của 8 tháng đầu năm ước tính đạt 336,32 tỷ USD – tăng so với cùng kì. Tuy nhiên ngành này cũng đã “vinh dự” ở trong hàng ngũ top 5 ngành có nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động.
Trong thời gian tới, khi hiệp định EVFTA được kí kết thành công, chúng ta có thể kì vọng vào một sự trở lại mạnh mẽ ở mảnh đất này.
Vận tải trong nước ghi nhận con số 1.100 triệu tấn hàng được vận chuyển trong 8 tháng đầu, thấp tận 7,3% so với cùng kì năm trước. Giao thương trong nước cũng bị hạn chế vì cách ly.
Logistics cơ bản không chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch khi 62% doanh nghiệp vẫn giữ được quy mô nhân sự của mình. Đây vẫn sẽ là một ngành hot và có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam với khoảng 4000 doanh nghiệp vẫn đang hoạt động trong lĩnh vực này. Với chỉ 5-7% nhân lực trong ngành có trình độ chuyên môn cao và ước đoán cần thêm tận 2,2 triệu nhân lực nữa vào năm 2030, tương lai của ngành Logistics nhìn chung vẫn là điểm đến tiềm năng đối với những người làm kinh tế.
Thời thế tạo anh hùng
Công nghệ (IT)
Giãn cách xã hội đã đẩy các doanh nghiệp đến hoàn cảnh phải tiến hành “chuyển đổi số” khi nền tảng online là thứ bắt buộc phải có trong thời đại Covid-19. Điều này vô hình đã đẩy cơn khát nhân lực của ngành này lên một tầm cao mới khi xu thế công nghệ hóa là xu thế không thể quay đầu.
Các doanh nghiệp giờ đây sẽ còn phải mạnh tay hơn trong việc cung ứng lương, phúc lợi và tuyển dụng nhân lực khi so với các ngành khác, thời gian để đào tạo ra một nhân viên IT có thể làm được việc cần nhiều công sức hơn hẳn so với các vị trí khác trong kinh tế.
Bảo hiểm
Trong thời buổi kinh tế, xã hội loạn lạc, kênh bảo hiểm trở thành địa chỉ tin cậy nơi mùa lũ. Theo số liệu của tổng cục thống kê, doanh thu toàn thị trường bảo hiểm 6 tháng năm nay đã tăng 11%, ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất tại bảo hiểm nhân thọ.
Điều này xuất phát từ việc người tiêu dùng thay đổi ý thức khi tự nhận thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình trong tình cảnh dịch bệnh khó lường. Chính vì thế, ngành này và cụ thể là vị trí “Tư vấn bảo hiểm” vẫn là vị trí được tuyển dụng và có nhiều cơ hội cho sinh viên và thực tập sinh khi tìm kiếm việc làm.
Phần 2: FMCG – Ổn định toàn cảnh, biến động nội tâm
1. FMCG đang ra sao?
Tổng quan trước dịch
FMCG từ lâu đã làm điểm đến mơ ước cho các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học với chế độ lương bổng và đãi ngộ cực tốt cho nhân viên của mình.
Đây cũng đang là thị trường có tốc độ giãn nở cao khi trong vài năm trở lại đây đã nhận được sự đầu tư rất mạnh từ cả các tập đoàn đa quốc gia (P&G, Unilever, Suntory Pepsico, vv) và từ cả các tập đoàn nội địa (Masan, TH True Group, vv). Với dân số đông, mức thu nhập trung bình, Việt Nam chắc chắn là một thị trường tiềm năng, miếng mồi béo bở với những ông lớn trong ngành.
2. Điều gì đã diễn ra trong dịch?
Đi ngược hoàn toàn với xu thế ảm đạm màu đen nơi những con số của những ngành nghề khác, FMCG lại ghi nhận tăng trưởng cực kì mạnh mẽ trong 2 quý đầu năm nay với con số tăng trưởng lên tới tận 2 chữ số (11%). Dù tốc độ hiện tại đã có sự chậm hơn khi dịch đã tạm thời kiểm soát được (chưa dự báo được trong tương lai) nhưng chắc chắn Covid-19 vẫn là một cú hích rất mạnh với thị trường ngành này.
Vậy tại sao lại diễn ra điều đó?
Thay đổi giỏ hàng từ người tiêu dùng
Dịch đến, cái chết nguy hiểm cận kề đã khiến người người tiêu dùng thay đổi hoàn toàn tư duy mua hàng khi họ sẵn sàng đầu tư mạnh tay (tích lũy) các ngành hàng tiêu dùng liên quan đến vấn đề sức khỏe. 2 ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng trong thời gian này là: an toàn thực phẩm + vấn đề sức khỏe.
Thay đổi trong thói quen mua hàng, thanh toán
Thương mại điện tử đã gặp được cố nhân là Covid-19. Trong thời gian đầu năm đế nay, kênh thương mại điện tử đã tiếp cận được đến 56% dân số của toàn Việt Nam (ít nhất 1 lần mua hàng trên thương mại điện tử). Các doanh nghiệp Ecom hiện cũng đang phải cạnh tranh nhau từng tí một miếng bánh thị trường ĐNA hay cụ thể hơn là Việt Nam khi liên tục có những chính sách đốt tiền để mua nhận diện thương hiệu + giữ chân người dùng.
3. Cơ hội FMCG:
Theo một khảo sát được thực hiện đầu năm 2020 bởi Adecco, mức lương thấp nhất cho một chuyên viên kinh tế làm trong ngành này là 25 triệu. Đây là một con số rất cao so với mặt bằng chung. Chắc chắn rằng, nhu cầu tuyển dụng của FMCG chưa bao giờ là thấp khi ngành này có tốc độ mở rộng thị trường nhanh, nhiều biến động.
Ngoài ra, một đặc điểm đặc thù ngành này khiến FMCG trở thành một đối trọng lớn với Big4 về danh tiếng với sinh viên là tính đa dạng về nhân sự. Nhân sự trong FMCG sẽ được trải dài trên mọi mặt trận, phân khúc: Từ HR, Supply Chain, Finance, Marketing… Chính tính chất công việc không đặc thù kế kiểm như Big4, FMCG đã tự biến mình thành một điểm đến ước mơ với những bạn sinh viên
FMCG cũng là ngành có nhiều chương trình MT (management trainee) chất lượng nhất được tổ chức tại Việt Nam. Thời trang các bên mở đơn thường sẽ rơi vào khoảng từ tháng 1-6 hàng năm. Nhưng ngay thời điểm hiện tại của bài viết (tháng 10/2020) thì cũng có 2 doanh nghiệp FMCG là Masan và Heineken cũng trong quá trình mở đơn thi tuyển. Không cần nhiều con số cầu kì hoa mĩ thì chúng ta cũng thấy được cơ hội làm việc nơi đây lớn đến nhường nào.
Còn với những vị trí thực tập, nhân viên chính thức thì ngành này cũng tạo cơ hội chia đều cho tất cả. Sau đây là 1 Joblist do HRC tổng hợp công việc tại FMCG:
Phần 3: Tạm kết
Hành trình đi đến bất kì ước mơ hay vinh quang nào cũng phải trải qua nhiều sóng gió thử thách. Chính vì có khó khăn, có thử thách nên đó mới được chúng ta coi là ước mơ, là khát vọng vẫy vùng của tuổi trẻ. HRC tin rằng, mỗi con người trong số chúng ta đều sở hữu những khả năng tiềm tàng chờ đợi được đánh thức. Có thể ngay lúc hiện tại ta chưa thấy được năng lực của bản thân, nghi ngờ sự cố gắng của mình sẽ vô ích, nhưng có thể khẳng định một điều rằng: thành công không đến với những người chờ đợi nó.
Có ước mơ và cháy hết mình với ước mơ đó, rồi hành trình của bạn sẽ nở hoa.
HRC xin chúc các bạn thành công trên con đường sự nghiệp!
*Bài viết có sử dụng số liệu nghiên cứu của VNworks, Kantar và Nielsen.
Discussion about this post