Mùa hè sắp đến cũng là lúc bao niềm tin, ước mơ của các bạn sinh viên về một mùa hè nhiều trải nghiệm lại về. Đối với các bạn sinh viên năm 3, năm 4, mùa hè năm nay chắc hẳn sẽ chẳng còn gì ý nghĩa hơn là “sắm” cho mình một công việc thực tập “xịn xò”, chất lượng đủ để khiến mình lớn. Nhưng điều đó chưa bao giờ là dễ dàng cả.
Hiểu được điều đó, HRC xin giới thiệu tới bạn “The Career Previews” – Chuỗi Video chia sẻ kinh nghiệm từ anh chị đi trước, giúp các bạn sinh viên chuẩn bị đi làm có một sự chuẩn bị tốt nhất khi bắt đầu bước chân vào thị trường tuyển dụng. Mở đầu cho hoạt động lần này, chúng mình rất may mắn khi được trò chuyện với chị Nguyễn Phương Tú – Head of Sales Enablement tại Base.vn và anh Nguyễn Ngọc Nam – Senior Talent Acquisition tai VP Bank. Với chủ đề “Sinh viên cần chuẩn bị gì để thể hiện tốt nhất trong buổi phỏng vấn”, HRC tin rằng những chia sẻ từ anh chị sẽ mang đến nhiều góc nhìn và giá trị cho các bạn sinh viên trước khi bước vào chặng đường sự nghiệp sắp tới.
Em chào anh Nam ạ. Theo anh thì đâu là điều nhà tuyển dụng quan tâm nhất ở ứng viên khi đi phỏng vấn?
Với các bạn sinh viên mới ra trường, nhà tuyển dụng thường quan tâm đến 3 yếu tố: Thái độ, Kỹ năng và Kiến thức.
Về thái độ: Bên anh đề cao sự chủ động và sự cầu tiến trong công việc. Khi phỏng vấn, các bạn nên có sự chuẩn bị thực sự chỉn chu và chu đáo như: tìm hiểu trước về vị trí công việc của mình qua các công cụ internet hay bạn bè, người thân. Bên cạnh đó, mỗi một công ty có những nét văn hóa riêng biệt: có nơi sẽ đề cao sự sáng tạo, độc đáo nhưng có những công ty nghiêng về sự chỉn chu. Anh nghĩ rằng, các bạn cũng nên hiểu về môi trường và văn hóa công ty mình ứng tuyển để biết cách cư xử phù hợp trong buổi phỏng vấn.
Về kiến thức: Trong buổi phỏng vấn nếu các bạn thể hiện được những kỹ năng hay kiến thức liên quan đến đặc điểm công việc thì sẽ là một điểm sáng trong mắt nhà tuyển dụng. Dù là tuyển thực tập sinh, nhưng anh luôn tìm kiếm các bạn sinh viên sắp hoặc mới ra trường nhưng có kiến thức chuyên môn tốt, cập nhật những xu hướng thực tế.
Về kĩ năng: Song song kiến thức và thái độ, anh thấy rằng kỹ năng giao tiếp tốt sẽ là một lợi thế lớn cho các bạn ứng viên để làm nổi bật mình trong mắt nhà tuyển dụng. Khi đi phỏng vấn các bạn cũng nên có cho mình một tinh thần thật thoải mái, những buổi phỏng vấn với một bạn SV tự tin, nhanh nhẹn sẽ tạo được thiện cảm hơn so với buổi phỏng vấn mang tính chất căng thẳng, ngột ngạt.
Ngoài ra một điều rất quan trọng nữa là các bạn nên xác định rõ mục tiêu khi đến buổi phỏng vấn. Sự thể hiện của một bạn sinh viên có tâm thế sẵn sàng và có mong muốn, cố gắng để có được vị trí trong công ty sẽ rất khác với những bạn sinh viên chưa có cho mình một mục tiêu rõ ràng. Khi phỏng vấn các bạn nên chia sẻ về bản thân mình nhiều hơn thay vì tự vẽ ra một hình tượng mà đâu đó không phải mình.
Vậy theo anh chị, các bạn sinh viên nên chuẩn bị như thế nào để thể hiện được tốt nhất những điều anh chị tìm kiếm trên ạ?
Đối với những bạn SV có mong muốn đi ứng tuyển tại các Doanh nghiệp thì cần phải có một cái nhìn đúng “Biết người, biết ta”.
“Biết người” là việc các bạn chủ động tìm hiểu về công ty, về công việc, về lĩnh vực mà bạn muốn ứng tuyển.
“Biết ta” tức là hiểu về chính bản thân mình.
Với những bạn đang còn ngồi trên ghế nhà trường hoặc mới ra trường chưa có nhiều trải nghiệm nhưng chỉ cần các bạn để ý hơn đến các công việc, nhiệm vụ mình làm. Từ những việc nhỏ như việc đi làm gia sư, các hoạt động tham gia trong câu lạc bộ, các bạn cũng sẽ rút ra được rất nhiều bài học cho bản thân. Đó cũng là những điều mà nhà tuyển dụng muốn nghe ở buổi phỏng vấn để hiểu hơn về tiềm năng của sinh viên, cách các bạn sinh viên xử lý những công việc ra sao và hiểu bản thân mình được đến đâu.
Tuy nhiên việc “biết” sẽ chỉ giúp sinh viên đi được 40% con đường, 60% còn lại phụ thuộc vào việc các bạn sinh viên hành động . Việc hiểu luôn đồng nghĩa với việc phải diễn đạt được điều đó ra để mọi người cùng hiểu.
Để có được sự chủ động trong buổi phỏng vấn, các bạn nên dành thời gian để luyện tập với chính bản thân mình trước để câu trả lời của bạn luôn thể hiện được sự logic, giúp nhà tuyển dụng có thể dễ dàng nắm bắt được điều mà bạn muốn truyền đạt. Sau khi luyện tập với chính bản thân mình, bạn có thể luyện tập cùng với bạn bè, người thân hay thậm chí là những anh chị có kinh nghiệm đi phỏng vấn để nhận thêm feedback, lời khuyên, hoặc hỏi bạn thêm những câu hỏi để rèn luyện thêm về kỹ năng phản xạ.
Xem thêm: Top 5 bài viết hay nhất về phỏng vấn dành cho người chưa có kinh nghiệm ?
Vâng, vậy lời cuối cùng, anh Nam chị Tú có lời khuyên gì dành cho các bạn sinh viên trước khi bước vào chặng đua thực tập phía trước không ạ ?
[Anh Nam] Anh nghĩ rằng, cơ hội việc làm khi ra trường phụ thuộc nhiều vào thái độ của mỗi bạn sinh viên. Sẽ rất dễ để nắm bắt được một cơ hội làm việc nếu các bạn có một sự chủ động nhưng ngược lại sẽ rất khó với những bạn luôn ngồi chờ đợi, không có sự cầu tiến trong tư duy. Bản thân anh luôn tâm đắc câu nói “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Khiêm tốn để luôn không ngừng học hỏi, thật thà với bản thân, với công việc mình được giao và dũng cảm đương đầu với những thử thách trong công việc nói riêng và cuộc sống nói chung.
Cảm ơn anh Nam, chị Tú đã chia sẻ với chúng em những góc nhìn vô cùng thú vị.
Hãy cùng chờ đón những bí kíp hay từ nhà tuyển dụng và các anh chị đi trước về câu chuyện thực tập trong những bài viết tiếp theo bạn nhé !
Discussion about this post