Quy mô dân số Việt Nam hiện khoảng 96 triệu người trong đó 70% sử dụng mạng Internet, đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng Internet. Người Việt Nam đã dành lượng thời gian đáng kể cho các hoạt động trên không gian mạng để phục vụ các nhu cầu khác nhau. Với dân số đông và tỷ lệ sử dụng Internet lớn như vậy, Việt Nam được coi là mảnh đất màu mỡ để Fintech phát triển. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, công nghệ đã tạo nên những bước ngoặt thay đổi mạnh mẽ đến nền kinh tế – xã hội nước ta. Lĩnh vực tài chính – ngân hàng được đánh giá là một trong các lĩnh vực chịu tác động lớn thông qua việc sử dụng phổ biến các ứng dụng công nghệ tài chính (FinTech). Cụ thể hơn Fintech là việc phát triển các ứng dụng thanh toán đang được thực hiện để bắt kịp xu hướng “cashless” (không tiền mặt) và cũng như để đáp ứng các nhu cầu đang ngày một tăng đối với thực hiện các giao dịch hiện nay. Fintech đang nổi lên với các xu hướng chính là: Big Data, Blockchain và Tự động hóa.
- Big Data
Big data là công nghệ tiên tiến trong việc quản lý các dữ liệu cấu trúc hoặc phi cấu trúc, đa dạng, thay đổi nhanh và phức tạp,cho phép công ty có thể dễ dàng thao tác và kiểm soát một lượng lớn thông tin nội bộ của doanh nghiệp. Tính năng nổi bật nhất của Big Data đó là xử lý các tệp lưu trữ dữ liệu lớn qua công nghệ tân tiến này mà các loại máy tính truyền thống thông thường không thể xử lý.
Đặc thù của ngành Tài chính – Ngân hàng là khối lượng dữ liệu khổng lồ với những thông tin về hồ sơ khách hàng, lịch sử giao dịch. Khi các ngân hàng ngày càng mở rộng dịch vụ hay phân khúc thị trường, thu hút thêm khách hàng thì hệ thống dữ liệu lại càng tăng lên gấp nhiều lần. Đồng thời tốc độ phát triển và hội nhập với các xu hướng công nghệ của Việt Nam đang ngày càng gia tăng, mọi giao dịch tại các trụ ATM ở các địa điểm, chi nhánh khác nhau cũng được lưu thông tin tại ngân hàng. Vì vậy việc ứng dụng công nghệ Big Data trở nên phổ biến và cấp thiết hơn.
Tiếp cận, nghiên cứu và khai thác về Big Data sẽ mang đến nhiều lợi ích cho ngân hàng trong kinh doanh như: Tiết giảm chi phí; tăng thời gian phát triển và tối ưu hóa sản phẩm, tiết kiệm thời gian xử lý thông tin của khách hàng bao gồm các thói quen chi tiêu và xây dựng hệ thống thu thập các phản hồi khách hàng từ đó giúp ngân hàng đưa ra các giải pháp cải thiện hoạt động, gia tăng lợi nhuận trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Tóm lại, Big Data là nguồn lực quan trọng giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh khi nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng phức tạp, giảm thiểu rủi ro kinh doanh với chi phí tối ưu nhất.
- Blockchain
Blockchain là hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép lưu trữ và truyền tải các khối thông tin được liên kết với nhau nhờ mã hóa. Các khối thông tin này hoạt động độc lập và có khả năng mở rộng theo thời gian. Chúng được quản lý bởi những người tham gia hệ thống là các bên đối tác giao dịch mà không cần thông qua bên trung gian. Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu. Thông tin trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của các bên tham gia giao dịch.
Thông thường, hệ thống ngân hàng đóng vai trò trung gian trong nền kinh tế toàn cầu, ngân hàng giúp quản lý các nguồn tiền và xử lý các giao dịch của các doanh nghiệp. Họ sử dụng một sổ cái điện tử để ghi chép các giao dịch này. Có thể nói ngân hàng giống như một cổng thanh toán giữa các bên giao dịch, mỗi khi có bất kỳ thay đổi nào thì các bên đều phải thông qua hệ thống ngân hàng trung gian. Điều này tạo ra sự bất tiện đồng thời trong một vài trường hợp thông tin cũng có thể bị sai lệch.
Sự ra đời của công nghệ chuỗi khối Blockchain có thể thay thế các ngân hàng trung gian bằng một hệ thống Blockchain có tiềm lực không giới hạn, minh bạch và dễ dàng truy cập bởi bất kỳ ai. Blockchain được xem là công nghệ then chốt cho chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin trong tương lai. Theo một cuộc khảo sát của Công ty Tư vấn Accenture, hơn một nửa các nhà quản lý hàng đầu hiện nay thừa nhận rằng blockchain đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của các ngân hàng cũng như công ty tài chính. Sau khi các giao dịch được xác nhận, các thông tin sẽ được lưu lại thành một khối dữ liệu mới. Khối dữ liệu đó sẽ được thêm vào một chuỗi khối (blockchain) có sẵn, mỗi máy tính tham gia vào mạng lưới đều nắm giữ một bản copy công khai được cập nhật liên tục theo thời gian thực. Mỗi khối lưu trữ thông tin giao dịch đều có liên kết với các khối liền trước nên toàn bộ chuỗi khối sẽ chứa đựng thông tin liền mạch xuyên suốt lịch sử giao dịch của chuỗi đó. Blockchain đó cũng sẽ liên tục được cập nhật, thông tin trên sổ cái của từng người trong mạng lưới đều giống hệt nhau thuận tiện để kiểm soát thông tin giữa các bên. Tóm lại, Blockchain có khả năng tạo ra những giao dịch nhanh chóng hơn và ít chi phí hơn, tăng khả năng tiếp cận vốn, nâng cao bảo mật dữ liệu, thực thi các thỏa thuận thông qua hợp đồng thông minh và giúp việc giao dịch giữa dễ dàng hơn.
- Tự động hóa Robotic Process Automation (RPA)
Tự động hóa là công nghệ dựa trên phần mềm robot và ứng dụng trí thông minh để thực hiện các công việc khối lượng lớn, lặp đi lặp lại theo chu kỳ như: nhập liệu, tạo đơn hàng, cấp quyền truy cập, gửi tin nhắn xác nhận
Với lượng dữ liệu khổng lồ mà ngành tài chính – ngân hàng phải tiếp nhận mỗi ngày thì việc phân tích, xử lý dữ liệu đòi hỏi cần phải nhanh và chính xác, vì vậy công nghệ tự động hóa RPA như một giải pháp hiệu quả và tối ưu nhất để giải quyết vấn đề này. RPA được ví như một lực đẩy của Fintech khi duy trì hoạt động ngân hàng bằng cách tự động hóa các quy trình dịch vụ khách hàng, gia tăng tốc độ xử lý các yêu cầu, nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo ra nhiều tiện ích hơn.
- Tăng cường hiệu quả làm việc: Việc nhập liệu, xử lý, phân loại thông tin được tự động hoá với RPA sẽ giảm tuyệt đối sai sót trong quá trình làm việc đồng thời đẩy nhanh tốc độ xử lý công việc cũng như loại bỏ các lỗi trong hệ thống doanh nghiệp
- Tối ưu hóa chi phí: RPA tự động hóa quy trình giúp tiết kiệm chi phí từ 20 – 50% nhờ giảm giờ làm các công việc lặp đi lặp lại hàng ngày, nhân sự sẽ tập trung vào những chiến lược sáng tạo nhằm cải thiện dịch vụ và phát triển kinh doanh.
- Nâng cao dịch vụ khách hàng: RPA giúp giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng một cách nhanh chóng, thuận tiện không phân biệt giờ giấc. Như vậy, nhu cầu của khách hàng được đáp ứng nhanh chóng và chính xác hơn.
1 Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 nói chung và xu hướng Fintech nói riêng đang tạo ra lợi thế thị trường tài chính Việt Nam khi có cơ hội tiếp thu và ứng dụng kết quả công nghệ vào vận hành, quản lý và phát triển thị trường tài chính. Tuy nhiên điều này cũng dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt hơn trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, dịch vụ thanh toán khi mà các doanh nghiệp công nghệ tài chính (Fintech) ngày càng mở rộng và phát triển.
Sự ra đời và phát triển của các công ty Fintech đã làm thay đổi kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống qua xu thế phát triển mạnh của các kênh giao dịch trực tuyến như: Internet banking, mobile banking,… Việc cạnh tranh mở rộng các chi nhánh ngân hàng như hiện nay sẽ không còn, thay vào đó ngân hàng phải phát triển các thiết bị tự phục vụ dựa trên công nghệ tự động hóa, kết nối đa chiều. Vì thế, các ngân hàng và tổ chức tài chính trong nước cần có những chiến lược thông qua việc sử dụng các dữ liệu thông minh và hợp tác với nhiều ngành kinh doanh khác.
Discussion about this post