Sau những ngày dài mệt mỏi với học tập, với công việc và cả những lo toan đời sống, tôi nhìn lại và chợt nhận ra mình đã đi hết nửa chặng đường năm nhất ở Đại học rồi các bạn ạ. Thời gian trôi qua quá nhanh, không phải bởi những kỉ niệm đã qua làm tôi tiếc nuối, mà bời tôi nhận thấy bản thân mình vẫn chưa thực sự “lớn lên” chút nào so với cậu học sinh cấp 3 ngày nào đã bước chân vào khuôn viên trường trong niềm hân hoan, hứng khởi.
Bạn có cảm thấy bản thân vẫn đang dậm chân tại chỗ? Bạn đã bao giờ tự hỏi lòng mình rằng: “Mình đã bỏ sót điều gì?” hay chưa? Các bạn hãy cùng HRC đến với bài viết sau đây để tìm hiểu về những điều mà sinh viên năm nhất, dù mong muốn phát triển bản thân, lại thường hay bỏ qua.
1. Khám phá chính mình
Bạn chưa tìm được định hướng cho bản thân, chưa nắm được những điểm mạnh, điểm yếu của mình. Bạn vẫn đang băn khoăn không biết mình phù hợp với công việc cũng như môi trường ra sao?
Những vấn đề kể trên đang là vấn đề chung của rất nhiều sinh viên hiện nay. Nhiều người trong số họ vẫn đang mơ hồ về định hướng, chưa tìm được cho mình những phương pháp, hướng đi đúng đắn để cải thiện và phát triển bản thân. Nguyên nhân chính đều đến từ việc những bạn sinh viên đó chưa thực sự hiểu rõ chính mình.

Tôn Tử có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Hiểu được đối tượng, nhiệm vụ, mục đích của bản thân là quan trọng, hiểu được chính mình lại càng quan trọng hơn. Một trong số những phương pháp đơn giản nhất đó là làm thử những bài kiểm tra tính cách để phần nào đánh giá được mình mạnh, yếu ở điểm nào, mức độ phù hợp với từng ngành nghề ra sao để từ đó có được những biện pháp nhằm giúp đỡ cải thiện bản thân. HRC xin được gợi ý cho các bạn một số bài kiểm tra tính cách sau:
– Trắc nghiệm MBTI
– Trắc nghiệm 5 khía cạnh tính cách cơ bản (“The Big Five Personalities Test”)
– Multiple Intelligences Test
– Trắc nghiệm hướng nghiệp RIASEC (Holland Code Test)
2. Đặt ra những mục tiêu cho bản thân
Bắt đầu cuộc sống của sinh viên Đại học, các bạn cũng được tự do hơn, không còn bị gia đình giám sát, nhắc nhở, không còn giờ giới nghiêm,… Khi đó, các bạn chìm đắm trong thế giới riêng: bạn bè, ăn chơi, công việc,…
Khi đó, bạn cảm thấy mình như đang mất phương hướng, đang dậm chân tại chỗ khi những người xung quanh đang ngày một tiến lên trên con đường của theo riêng họ. Không những vậy, bạn còn lãng phí thời gian quý báu của chính mình, bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội khám phá và phát triển bản thân.

Để có thể đặt ra những mục tiêu cho bản thân, bạn nên bắt đầu với những kết quả ngắn hạn, đơn giản hơn như đạt điểm A, hoàn thành deadline… Từ đó, hãy vạch ra cho bản thân những lộ trình dài hạn như tấm bằng giỏi, xuất sắc, giải thưởng của những cuộc thi lớn hay thậm chí là nghề nghiệp, công việc bạn mơ ước trong tương lai. Đề ra mục tiêu cho bản thân có ý nghĩa quan trọng, giúp bạn có thêm động lực phát triển bản thân, là nền tảng giúp bạn lập ra lịch trình hợp lý, tận dụng tốt thời gian của mình.
3. Mở rộng giao tiếp
Các mối quan hệ của bạn khi bước chân vào môi trường Đại học đã phát triển ra sao rồi? Bạn đã bao giờ trò chuyện cùng các anh chị khóa trên, trao đổi với các thầy cô, hay tìm kiếm được những mối quan hệ mới trong và ngoài giảng đường hay chưa?
HRC từng nghe nhiều bạn tâm sự rằng bản thân mình là một người giao tiếp “chưa tốt”, ngại làm quen, ngại nói chuyện với những người xung quanh. Các bạn ngày một sống thu mình, thiếu kết nối, tự cô lập bản thân với môi trường Đại học cũng như xã hội.

Giao tiếp là một quá trình, đòi hỏi sự rèn luyện, tinh thần tự giác và cả sự tự tin. Bạn cần biết mở lòng mình với người khác, chủ động kết nối để tìm kiếm sự phản hồi. Bắt đầu với những hành động hết sức đơn giản như một lời chào, một câu hỏi dành cho đối phương. Có thể là câu hỏi về cuộc sống của bạn bè trong lớp, thắc mắc về những vấn đề trong học tập với thầy cô hay xin những chia sẻ, kinh nghiệm từ những anh chị khóa trên. Bạn có thể tham khảo thêm tác phẩm “Ai Cũng Giao Tiếp Nhưng Mấy Người Kết Nối” – John C. Maxwell, trình bày 5 nguyên tắc nền tảng khi kết nối với mọi người và từ đó tác giả đưa ra 5 ứng dụng hành động để giúp bạn kết nối thành công – với một người, một nhóm, với khán giả, hay bất kì ai bạn muốn.
4. Tự chăm sóc bản thân
Không còn người lớn trong gia đình ở bên cạnh nhắc nhở, chăm lo, chắc hẳn chăm sóc sức khỏe đang là một vấn đề mà bạn không mấy để ý đến phải không?
Thường xuyên bỏ bữa, lười nấu ăn, thức khuya, ngủ không đủ giấc, ngay cả những lúc bản thân ốm yếu cũng không chịu đi khám, uống thuốc đều đặn hẳn không phải tình trạng của riêng ai phải không?

Đại học là bước đệm để chúng ta trưởng thành và tự bước vào đời bằng chính đôi chân của mình. Vì thế tự chăm lo cho chính mình là điều tối thiểu mà mỗi người phải làm được. Tự sắp xếp thời gian sinh hoạt sao cho điều độ hay chú ý quan tâm đến vệ sinh cũng như sức khỏe của bản thân là những gì bạn cần là để có thể chăm sóc thật tốt cho chính mình khi rời xa gia đình.
5. Làm việc nhà
Giữa một biển deadline, một núi bài tập về nhà và công việc chồng chất, lấp đầy quỹ thời gian hạn hẹp của bản thân thì có vẻ làm việc nhà là một hoạt động mà bạn gần như không hề để tâm tới.
Quét dọn phòng ốc, sắp xếp quần áo, đồ đạc ngăn nắp, giặt giũ, phơi quần áo hay nấu ăn, rửa bát,… những hoạt động tưởng chừng nhẹ nhàng, vụn vặt lại đang là những thử thách gian nan khiến nhiều bạn sinh viên ngán ngẩm và bỏ cuộc ngay cả khi chưa bắt đầu.

Thế nhưng, làm việc nhà cũng không kém phần quan trọng so với tự chăm sóc bản thân trong quá trình rèn luyện tính tự lập cho các bạn đâu. Hãy biết tự tạo cho mình thói quen ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ và tinh thần tự giác, biết phân chia công việc trong nhà cho những người bạn cùng phòng và có trách nhiệm trong việc hoàn thành thật tốt phần việc được giao là những gì mà các bạn cần làm. Không chỉ giúp cuộc sống của bạn được thoải mái hơn, đây còn là cách để bạn rèn luyện lối sống gọn gàng cũng như tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị hành trang cho cuộc sống của chính mình trong tương lai đó.
Triết gia, nhà báo người Pháp Albert Camus từng nói: “Freedom is nothing but a chance to be better.” Môi trường tự do của Đại học nói riêng cũng như của những sinh viên năm nhất nói chung chính là cơ hội tuyệt vời cho tất cả chúng ta. Hãy cố gắng tận dụng, đừng lãng phí nó các bạn nhé!
Discussion about this post