“Chỉ sau hai ngày làm việc, tôi thực sự cảm thấy chán nản vì công việc hiện tại không liên quan đến ngành tôi theo đuổi, tôi làm đơn giản chỉ vì thu nhập và có thứ để khoe với bạn bè.” “Tôi rất muốn có việc làm thêm khi đang học năm nhất nhưng tôi lại không biết nên bắt đầu từ đâu”
Đây không phải là những chia sẻ của một cá nhân riêng biệt mà tình trạng chung của hầu hết các sinh viên năm nhất. Và để giúp các bạn sinh viên mới vào trường giải quyết được các vấn đề liên quan đến việc làm thêm, bài viết dưới đây sẽ cung cấp đầy đủ cho các bạn về những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực khi làm thêm, từ đó lựa chọn được một công việc thật sự chất lượng và phù hợp với bản thân.
Trước hết, ta phải hiểu làm thêm là một định nghĩa mô tả một công việc không chính thức, không thường xuyên bên cạnh một công việc chính thức và ổn định, để đổi lấy việc thanh toán hoặc tiền công.
Đối với các bạn sinh viên năm nhất, ngoài thời gian đến trường, tham gia câu lạc bộ thì các bạn hay làm thêm những công việc bán thời gian như gia sư, trợ giảng, nhân viên phục vụ hay nhân viên bán hàng tại các cửa hàng quần áo, đồ ăn.
1. Những lợi ích có được khi đi làm thêm:
Trải nghiệm thực tế:
Khác với việc học ở trường – các bạn sẽ chỉ được tiếp nhận những kiến thức, lý thuyết trong sách vở hay giải các tình huống giả định, ngược lại, khi đi làm thêm, bạn sẽ được làm việc thật, đối diện với những con người thật. Và khi đi làm thêm một công việc liên quan đến ngành nghề bạn lựa chọn ở trường đại học, bạn sẽ không chỉ biết áp dụng những kiến thức, lý thuyết được học vào thực tế mà còn được trải nghiệm những tình huống bất ngờ, những khó khăn mới mà không có trong sách vở. Tất cả những điều đó chính là nền tảng quan trọng để bạn vững vàng bước ra cuộc sống tìm việc sau này.
Đối với các nhà tuyển dụng, họ không chỉ chú ý tới những bằng xuất sắc hay bằng giỏi, những thành tích nổi bật trong suốt 4 năm đại học của bạn mà họ còn quan tâm tới những kinh nghiệm thực tế mà bạn đã tích lũy được.

Thu nhập:
Một lợi ích mà bất kỳ bạn sinh viên năm nhất nào đều quan tâm khi đi làm thêm, đó là thu nhập. Việc có thêm thu nhập không chỉ giúp bạn chi trả phần nào những nhu cầu thiết yếu của bản thân mà còn giúp bạn biết trân trọng những đồng tiền mình tự kiếm được cũng như sức lao động mình bỏ ra. Và quan trọng hơn thế, việc tự kiếm tiền, tự quản lý, tự chi tiêu còn giúp bạn rèn luyện được tính tự lập, tránh tình trạng thụ động, ỷ lại vào bố mẹ.

Mối quan hệ:
Một điều mà ai cũng thừa nhận đó là khi làm thêm sẽ giúp mở rộng mối quan hệ. Bên cạnh những mối quan hệ với bè bạn, anh chị ở trường hay khi tham gia các hoạt động ngoại khóa, những mối quan hệ với khách hàng, đồng nghiệp, cấp trên khi đi làm thêm sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Đó có thể là những bài học, kinh nghiệm các đồng nghiệp của bạn đúc rút được trong suốt quá trình làm việc hoặc là sự đề bạt của cấp trên, giúp bạn có cơ hội thăng tiến trong tương lai hay kết nối, tiếp cận với những công việc chất lượng khác. Có thể thấy rằng, mối quan hệ mà ta có được khi làm thêm có ảnh hưởng sâu sắc tới sự nghiệp của chúng ta sau này.

Kỹ năng:
Nhiều sinh viên năm nhất khi đi làm thêm đã không nhận ra rằng các kỹ năng của mình được nâng cao lên rất nhiều. Những kỹ năng các bạn sinh viên có thể có được bên cạnh kiến thức chuyên ngành, đó là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán, khả năng xử lý tình huống linh hoạt hay khả năng tư duy phản biện.
Khi cuộc sống ngày càng phát triển, môi trường làm việc ngày càng trở nên năng động với tính cạnh tranh cao thì kỹ năng mềm là một trong những yêu cầu căn bản mà mỗi sinh viên cần có khi tham gia quá trình tuyển dụng. Điều này là bởi những kỹ năng mềm sẽ góp phần bổ trợ cho những kiến thức chuyên môn của người lao động nhằm tăng năng suất lao động, tạo ra hiệu quả cao trong công việc. Do đó, ngay từ khi còn học tập trên giảng đường, sinh viên cần nắm rõ vai trò của kỹ năng mềm và tăng cường học tập, trau dồi những kỹ năng này.

2. Bạn sẽ mất gì khi đi làm thêm:
Dễ bị lừa:
Lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin, muốn kiếm thu nhập, thiếu kiến thức xã hội, nhiều đối tượng đăng tin tuyển dụng lừa đảo, rồi đa cấp, lôi kéo sinh viên tham gia. Hậu quả là vừa mất tiền, vừa mất công sức, thậm chí còn bỏ học.
Một trường hợp điển hình cho luận điểm này, đó là: Rất nhiều sinh viên năm nhất tìm việc thông qua các trung tâm gia sư trung gian không uy tín, hậu quả là, các bạn sinh viên sau khi đi gia sư xong không được trả lương xứng đáng mà còn bị chính những trung tâm trung gian đó mắng nhiếc.

Đối với vấn đề trở thành đối tượng bị lợi dụng, lừa gạt, bạn nên tìm việc ở những trung tâm, công ty uy tín, có đầy đủ thông tin trên mạng hoặc tìm kiếm công việc trên các trang uy tín như demo.hrc.com.vn hay Ybox. Trên thực tế, đa phần các bạn sinh viên năm nhất bị lừa có một đặc điểm chung rằng: các bạn thường đi tìm những công việc không đòi hỏi kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm mà có thể vào làm luôn thay vì phải xin việc ở các trung tâm, công ty uy tín đòi hỏi ứng viên phải trải qua vòng phỏng vấn và một thời gian dài thử việc. Lời khuyên cho bạn, đó là nếu thấy bản thân vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng để đi làm thêm, trước đó, hãy trang bị thật đầy đủ kiến thức hay quan sát, học hỏi từ bạn bè, anh chị trong ngành để có thể tự tin trả lời các câu hỏi phỏng vấn một cách trơn tru và thể hiện thật tốt trong thời gian thử việc. “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm những mũi gai. Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió.” (Trích Đường đến ngày vinh quang – nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập). Và quá trình đi tìm việc làm thêm cũng không phải ngoại lệ, hãy đi theo đúng các bước để có một công việc, chứ không nên thấy dài thấy khó mà nản, chuyển sang “đi đường tắt” sẽ khiến bạn gặp nhiều rủi ro hơn đấy!

Bỏ bê học hành:
Nhiều trường hợp vì quá mải mê với công việc làm thêm mà quên mất nhiệm vụ chính là học tập. Có nhiều trường hợp chia sẻ rằng: “Em thấy bản thân làm thêm chăm chỉ hơn đi học nhiều” hay “Em không quản lý thời gian tốt nên không cân bằng được việc học và việc làm thêm, đến lớp học, em chỉ toàn ngủ bù”. Và chính những điều này đã trực tiếp dẫn đến kết quả học tập sa sút. Nhìn nhận một cách khách quan hơn, các bạn sinh viên đang đánh đổi một thứ quá lớn, đó chính là kiến thức.

Về vấn đề quản lý thời gian, bạn nên lập một thời gian biểu cho từng công việc trong tuần và phải nghiêm khắc trong việc tuân thủ. Bạn nên sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các công việc, công việc nào quan trọng hơn (ví dụ như việc học tập) bạn nên dành nhiều thời gian hơn. Và đặc biệt, bạn phải thực sự tập trung công việc đang làm để có thể nhanh chóng đạt được những mục đích đã đề ra từ trước.

3. Làm thế nào để có một “việc làm thêm chất lượng”:
Thay vì lao đầu vào tìm việc chỉ để “có việc” theo đúng nghĩa đen của nó, trước tiên, bạn hãy tìm hiểu về ngành nghề bạn muốn theo đuổi, liệt kê những mảng kiến thức và những kỹ năng liên quan đến ngành nghề , từ đó lựa chọn những công việc làm thêm sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức, những kỹ năng bạn vừa liệt kê.
Điều thứ hai bạn cần nhớ, đó là phải coi việc làm thêm là một cơ hội học hỏi, mở rộng mối quan hệ, chứ không nên chỉ hướng tới thu nhập. Điều này là bởi kiến thức, kỹ năng là những giá trị vô hình mà bạn không thể đo đếm bằng tiền bạc, và sẽ thực sự có ích khi bạn bước chân ra khỏi cổng trường đại học. Nếu bạn giỏi kiến thức, mạnh kỹ năng thì việc tìm được một công việc với một thu nhập trong mơ sẽ không hề khó khăn.
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng liên quan đến việc làm thêm mà bất kỳ sinh viên năm nhất nào cũng cần phải biết. Để trả lời câu hỏi có nên đi làm thêm hay không, bạn hãy bắt đầu từ việc tìm hiểu chính bản thân bạn, sau đó linh hoạt và tỉnh táo trong việc tìm kiếm và lựa chọn công việc làm thêm phù hợp cho bạn thân mình.
Discussion about this post