Với sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm nhất. Nhiều bạn phải sống xa nhà để học tập và sinh sống trong môi trường hoàn toàn mới. Điều này hoàn toàn không đơn giản, bên cạnh việc học tập thì bạn sẽ phải tự lo cho cuộc sống của mình từ những việc nhỏ nhất như ở đâu, mua gì và học cách chi tiêu sao cho hợp lý, tiết kiệm nhất. Vậy thì chi tiêu như thế nào là hợp lý để cuối tháng chúng ta không phải “than thở”, “đau đầu” về chuyện tiền bạc?
Dưới đây là một số tips để chúng ta chi tiêu hợp lý hơn
1. Tiết kiệm tiền nhà
Với các bạn sinh viên ngoại tỉnh, tiền thuê phòng trọ, tiền điện nước mỗi tháng là một khoản tiền không hề nhỏ, và nó chiếm phần lớn trong “quỹ trợ cấp” của bố mẹ. Do đó, để việc chi tiêu trở nên hợp lý hơn, chúng ta nên tiết kiệm khoản này trước tiên. Trường Đại học Ngoại thương có ưu tiên cho những bạn thuộc hộ chính sách hay hoàn cảnh khó khăn được ở ký túc xá của trường. Nếu được ở trong ký túc xá thì bạn sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí không hề nhỏ so với thuê nhà trọ bên ngoài. Tuy nhiên, nếu bạn không thể ở ký túc xá, tiền thuê phòng trọ khá đắt, bạn nên bỏ thời gian tìm hiểu giá cả xung quanh, đường xá, an ninh,… và rủ thêm một vài người bạn thật sự đáng tin cậy đến ở cùng để chia sẻ tiền nhà sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền sinh hoạt kha khá.
2. Theo dõi chi tiêu và lập danh sách những đồ dùng cần mua

Thường thì đến cuối tháng, nhiều bạn không biết tiền của mình đang ở đâu, không biết đã tiêu vào việc gì, thì nên theo dõi lại chi tiêu của bạn. Bạn hãy lập một bảng liệt kê những thứ bạn đã chi tiêu qua các hình thức như sổ ghi chép, các ứng dụng quản lý chi tiêu.. Hãy kiểm tra vào cuối tuần, hoặc cuối tháng và xem xét bạn đã lãng phí vào những mục gì, sau đó điều chỉnh vào tháng sau.
Ngoài ra, hãy lập danh sách những thứ bạn cần mua. Điều này sẽ giúp bạn tập trung vào nhu cầu cần thiết và tránh lãng phí.

Mách bạn “Quy tắc 6 cái lọ trong chi tiêu”
Hãy làm tập quản lý tiền bạn tốt hơn với quy tắc 6 cái lọ trong chi tiêu: chia tiền của bạn thành 6 cái lọ, hay còn gọi là 6 quỹ tài chính. Bạn lưu ý, 6 quỹ này hoàn toàn tách biệt với nhau. Mỗi khi có tiền, hãy chia khoản tiền này vào ngay 6 quỹ. Không quan trọng là bao nhiêu tiền, mà quan trọng là tạo thành thói quen để dần hình thành tính cách quản lý tài chính tốt, đặc biệt là rất tốt với những sinh viên năm nhất.
1. Nhu cầu thiết yếu = 55%
2. Quỹ tự do tài chính = 10%
3. Tiết kiệm dài hạn = 10%
4. Giáo dục đào tạo = 10%
5. Hưởng thụ = 10%
6. Giúp đỡ người khác = 5%
3. Hãy ăn uống lành mạnh, và lựa chọn nấu ăn tại nhà
Nhiều bạn lựa chọn cách ăn hàng cho nhanh chóng, tiện lợi thay vì tự nấu cơm. Tuy nhiên, chi phí ăn hàng thường khá cao và khó đảm bảo vệ sinh. Để tiết kiệm chi phí về lâu dài, bạn nên sắm một bộ dụng cụ nấu nướng đơn giản và dành thời gian tự nấu ăn tại nhà, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa tốt cho sức khỏe mặc dù cách này ban đầu sẽ làm bạn tốn một khoản tiền kha khá. Ngoài ra, bạn nên dựa trên một khoản chi phí nhất định đã được hoạch định trước đó để cân đối chi tiêu hợp lý.
4. Giảm chi phí phương tiện giao thông
Nếu ở gần trường, bạn có thể đi bộ hoặc đi xe đạp còn nếu ở xa, bạn có thể đi xe buýt đến trường. Đăng ký vé tháng sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí, rèn luyện sức khỏe và bảo vệ môi trường nữa. Khi giá xăng tăng vọt, việc đi xe máy không phải là một quyết định khôn ngoan.
5. Suy nghĩ trước khi thanh toán
Mỗi khi mua đồ, trước khi thanh toán, bạn nên dừng lại để kiểm tra lại những đồ thực sự không cần thiết và bỏ nó ra. Điều này sẽ giúp bạn tránh mua phải những món đồ không cần thiết mà lúc mua bạn bị các yếu tố bên ngoài tác động như khuyến mãi,.. và giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền kha khá.
6. Không nên để quá nhiều tiền mặt trong ví, đặc biệt tiền lẻ
Không dùng tiền lẻ. Không nên mang nhiều tiền mặt trong ví và cũng không nên mang nhiều tiền lẻ. Nên bỏ tiền lẻ, tiền xu vào heo đất. Sau mỗi tháng, mỗi năm bạn sẽ bất ngờ với khoản tiền có trong đó.
7. Tăng thêm thu nhập

Cũng với mong muốn tăng thêm thu nhập giúp đỡ bố mẹ, rất nhiều bạn tìm kiếm cơ hội cải thiện tài chính thông qua việc làm thêm, song nên lựa chọn kỹ công việc mình muốn tham gia để cung cấp những kỹ năng phù hợp với ngành nghề sau này, để “vừa học vừa làm” không chỉ để kiếm tiền mà còn tích lũy thêm kinh nghiệm, chuẩn bị cho tương lai tốt đẹp hơn. Một số công việc phù hợp với sinh viên năm nhất như trợ giảng, telesale,… Tuy nhiên, bạn nên chắc chắn sẽ cân bằng tốt thời gian thì mới đi làm, bạn nhé.
Những ai đã, đang là sinh viên chắc chắn sẽ thấu hiểu hết cảnh sống xa nhà thiếu thốn đủ thứ. Tuy nhiên, một sinh viên thông minh nên sống có nề nếp và biết cách chi tiêu sẽ có cuộc sống khác biệt, không phải chịu cảnh nợ nần phụ thuộc vào người khác. Khi tiết kiệm được một khoản kinh phí nào đó, bạn sẽ có cơ hội đầu tư nhiều hơn vào sở thích của mình hoặc thi thoảng đi du lịch khám phá, trải nghiệm cùng bạn bè.
Discussion about this post