Bước chân qua cánh cổng trường Đại học là bước ngoặt đổi thay trong cuộc đời mỗi người, là lúc chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng để cải thiện bản thân, để trải nghiệm những điều mới mẻ, để khám phá những điều ẩn giấu trong chính mình. Nhằm thực hiện những điều nêu trên, bài viết sau đây sẽ gợi ý cho các bạn 6 sở thích giúp bạn phát triển bản thân cũng như tận hưởng cuộc đời sinh viên thật bổ ích và ý nghĩa.
Trong số những hoạt động sở thích được kể ra sau đây, chắc hẳn sẽ có những điều mà chúng ta đã từng một lần muốn thử hoặc đã từng gắn bó một thời gian rồi lại rẽ ngang vì bận bịu với công việc, học hành, thi cử những năm cấp 3. Vậy, hãy cùng HRC tìm hiểu để gợi nhớ lại xem những sở thích đó là gì nhé!
1. Chơi nhạc cụ
Đây có lẽ là một trong những sở thích khá “kén người” bởi tập luyện nhạc cụ là một hoạt động đòi hỏi ở người chơi không chỉ đam mê, nhiệt huyết, sự kiên trì mà còn cần một chút năng khiếu nữa. Bởi thế mà một số bạn khi muốn thử sức mình với nhạc cụ thường dễ nản lòng với lý do “không có năng khiếu” hay “sợ mất nhiều thời gian”. Đôi khi, những thông tin như “độ tuổi tốt nhất để bắt đầu học chơi nhạc cụ” cũng trở thành một rào cản, khiến các bạn dễ dàng từ bỏ trước khi bản thân bắt đầu.

Tuy nhiên, một khi vượt qua tất cả những trở ngại đó, bạn có thể sẽ ngạc nhiên với thành quả của chính mình. Khiến bạn bè trong lớp trầm trồ vào buổi văn nghệ tập thể bằng những giai điệu ấm áp của cây đàn ghi-ta hay xuất hiện hoành tráng trên sân khấu lớn cùng ban nhạc với dàn trống hay một cây keyboard, hoặc đơn giản mà độc đáo hơn với tiếng sáo du dương trong một buổi bonding cùng nhóm bạn thân chẳng phải sẽ thật tuyệt vời hay sao?
2. Boardgame
Nếu đặt tay lên những phím đàn đòi hỏi sự khéo léo cùng tâm hồn nghệ sĩ bay bổng, lãng mạn thì đặt tay vào những quân cờ, lá bài đòi hỏi ở bạn sự tỉnh táo, lý trí cùng một bộ óc nhanh nhạy và chuẩn xác. Rồi sẽ đến lúc bạn tìm được sự vui sướng trong những nước đi, những chiến lược mà bản thân vạch ra, niềm hân hoan khi giành chiến thắng cũng như sự nể phục khi thua một đối thủ trên cơ, nhiệt huyết sục sôi khi “đối đầu” với những đứa bạn “kỳ phùng địch thủ”. Hơn thế nữa, boardgame còn là cầu nối để bạn gặp gỡ, giao lưu với nhiều bạn bè mới không phân biệt tuổi tác, thế hệ trong cộng đồng.

Ngoài cờ vua, cờ tướng là những bộ môn khá phổ biến, bạn có thể thử những “món lạ” như cờ đam, cờ vây, những bộ boardgame phức tạp, “hại não” như Ma Sói, Avalon, Battlelore, Tam Quốc sát hay những game cực kỳ đơn giản mà mang lại những giây phút giải trí như Mèo Nổ hay Uno. Chắc chắn, khi đã “nghiện” boardgame bạn sẽ không bao giờ có những giây phút nhàm chán chừng nào vẫn còn những người bạn, những anh, chị, em luôn chào đón bạn trong những bàn chơi tràn đầy tiếng cười những ngày nghỉ cuối tuần.
3. Thể thao
Thành thật đi, lần cuối cùng bạn tập thể dục hay tham gia một trận thể thao là khi nào? Chắc hẳn sau kì thi THPT Quốc gia đầy căng thẳng, không ít người quên bẵng đi (hay đơn giản là “tự thưởng” cho bản thân) việc rèn luyện thân thể. Hoặc đơn giản là ngay từ đầu, bạn cho rằng thể chất của bản thân còn hạn chế, không phù hợp với vận động thể dục – thể thao? Hãy dẹp bỏ ngay những suy nghĩ đó, chui ra khỏi chăn, rời mắt khỏi màn hình và tìm cho mình một môn thể thao mới đi nào!
Ngoài những môn quen thuộc như bóng đá, bóng rổ hay cầu lông, thử sức mình với những hoạt động thể thao mới lạ hơn như bóng chuyền, cầu mây chắc chắn sẽ đem lại cho bạn những giờ giải trí lành mạnh, nâng cao sức khỏe thể chất cũng như tinh thần.

4. Học thêm một ngoại ngữ mới
Liệu bạn đã bao giờ mơ ước được ghé thăm, khám phá nền văn hóa đa dạng đặc sắc của những quốc gia khác, muốn được giao tiếp với những người bạn nước ngoài, đọc những tác phẩm “nguyên bản” của những đầu sách mình yêu thích chưa? Nếu câu trả lời là “có”, vậy tại sao không dành thời gian học thêm một ngôn ngữ mới ngay lúc này đi nào!
Chúng ta thực sự may mắn khi được trải nghiệm môi trường Đại học Ngoại Thương nổi tiếng với đa dạng các ngành đào tạo ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Nhật,… Bạn có thể dễ dàng tìm được những người bạn, những thầy cô với vốn kiến thức chuyên sâu, sẵn sàng trợ giúp chúng ta trong việc rèn luyện và nâng cao trình độ ngoại ngữ. Thêm vào đó, tài liệu tham khảo, những bài giảng khóa học online, những trung tâm đào tạo ngoại ngữ cũng rất phổ biến trong thời đại ngày nay mà bạn có thể dễ dàng tìm kiếm qua Internet.

Vậy, bạn còn chần chờ gì nữa mà không đăng ký ngay cho mình một khóa học, mua những cuốn sách về tự đọc và tự học để có thể trau dồi thêm một công cụ giao tiếp mới, một chiếc chìa khóa để mở cánh cửa khám phá một nền văn hóa mới ngay thôi nào!
5. Đọc sách

Bạn có biết rằng Bill Gates, một trong những tỷ phú với khối lượng tài sản lớn nhất thế giới, đọc qua 50 đầu sách mỗi năm? “Ngày nay, tôi có thể ghé thăm nhiều nơi, gặp gỡ những chuyên gia, theo dõi vô số bài giảng online” Bill Gates chia sẻ, “Nhưng không gì giúp tôi vừa học hỏi, vừa kiểm tra những kiến thức mà tôi tích lũy nhiều như những cuốn sách”.
Ngoài việc nâng cao kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn,… những lợi ích khoa học mà sách mang lại cho con người mới là điều đáng lưu ý. Một nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra rằng: sau một buổi tối, thùy trán và thùy thái dương của những người đã đọc sách trước đó cho thấy sự hoạt động mạnh mẽ của những liên kết Nơron, hay nói cách khác, khả năng tư duy và ngôn ngữ của họ có những biểu hiện tích cực một cách rõ rệt. Qua đó có thế thấy: việc đọc sách sẽ giúp chúng ta sẵn sàng, năng động hơn cho một ngày làm việc mới.
6. Nấu ăn
Đối với những bạn sinh viên phải sống xa gia đình, có lẽ việc nấu ăn còn là một trách nhiệm trong sinh hoạt hàng ngày phải không nào? Bản thân mình cũng thực sự đau đầu với vấn đề bếp núc những ngày đầu học Đại học khi mà kinh nghiệm nấu nướng suốt 18 năm gần như là con số 0 tròn trĩnh. Những ngày trở về nhà sau một ngày dài với những giờ học trên lớp, những hoạt động CLB hay công việc cá nhân, việc nấu ăn lại càng trở nên khó khăn hơn với bản thân. Tuy nhiên, nhờ một câu nói mà mình đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ: “Nếu bạn cảm thấy quá mệt mỏi với những công việc chất chồng, hãy biến một trong số chúng thành sở thích”.

Nấu ăn hoàn toàn có thể trở thành một sở thích khi bạn cố gắng tiếp nhận nó với một thái độ tích cực. Thử những công thức mới, trải nghiệm những hương vị “độc đáo” do chính tay mình làm ra sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm cực kì lý thú.
Trên đây là những gợi ý nhỏ để bạn có thể tự mình tìm kiếm một sở thích lành mạnh, phù hợp và ý nghĩa trong những năm tháng Đại học sắp tới của bản thân. Hi vọng những chia sẻ vừa qua sẽ phần nào giúp ích cho các bạn!
Discussion about this post