Công thức nào cho câu hỏi “Mức lương bạn mong đợi ở vị trí này là gì?”
“Xử gọn” câu hỏi: “Tại sao chúng tôi cần bạn?”
Bí kíp chinh phục câu hỏi phỏng vấn tình huống
Trong bất kỳ một cuộc phỏng vấn nào, khi kết thúc bạn sẽ luôn có cơ hội được đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Liệu rằng bạn đã biết cách đưa ra một câu hỏi khiến nhà tuyển dụng thay đổi cách nhìn về bạn hay chưa? Hãy cùng xem một vài ví dụ sau nhé!
Q: Bạn có câu hỏi nào muốn đặt cho chúng tôi không?
A: #1 – “ Tôi không còn câu hỏi nào khác”.
Câu trả lời này hay cách bạn im lặng đều không phải là một sự lựa chọn khôn ngoan khi đi phỏng vấn bởi đây có thể là cơ hội cuối cùng để bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Việc bạn đặt một câu hỏi thích hợp liên quan đến công việc hay tổ chức sẽ khiến bạn trở thành ứng cử viên sáng giá trong mắt nhà tuyển dụng.
B: #2 – “Công ty được thành lập từ bao giờ? Ai là nhà đầu tư của công ty?”
Loại câu hỏi này cũng không khá khẩm hơn việc bạn im lặng là bao. Hơn nữa nó còn có thể khiến bạn càng mất điểm hơn bởi những thông tin này hoàn toàn có thể tìm kiếm trên google thông qua website của công ty. Đặt câu hỏi như vậy cho thấy rằng bạn chưa có sự tìm hiểu, chuẩn bị kỹ càng hay chưa thật mong muốn được làm việc trong công ty này.
C: #3 – “Đây là một vị trí mới hay là vị trí cũ nhưng hiện nay đang còn trống? Tại sao người làm ở vị trí này trước đây lại không làm nữa? Họ được thăng chức hay đã chuyển đến một công ty khác?”
Đây là một câu hỏi tương đối ổn: Nhà tuyển dụng sẽ nhận ra được sự quan tâm nhất định của bạn với vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Còn về phần bạn, bạn hoàn toàn có thể xem xét lại liệu mình có thật sự phù hợp với công việc này không hay cơ hội để bạn phát triển trong tương lai như thế nào nếu làm ở vị trí đó. Tuy nhiên hãy cẩn thận với những câu hỏi kiểu này. Nếu thấy người phỏng vấn có vẻ không thoải mái hay còn đang do dự, bạn nên chuyển đề tài và đặt những câu hỏi khác thích hợp hơn.
D: #4 – ”Vị trí mà tôi đang ứng tuyển có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của công ty?”
Tuyệt! Nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy như bạn đã hoàn toàn sẵn sàng với vị trí này và rất nhanh thôi sẽ đem lại hiệu quả cho sự phát triển của công ty. Đây cũng là một cơ hội tốt để bạn biết được vị trí mà bạn ứng tuyển là vị trí cao hay thấp trong công ty cũng như họ mong đợi gì ở người đảm nhiệm vị trí này. Biết đâu đấy, kết thúc buổi phỏng vấn, bạn và người phỏng vấn lại đang bàn đến một dự định nào đó để phát triển công ty thì sao?
E: #5 – “Tôi có thể gặp người mà tôi sẽ làm việc cùng nếu như trúng tuyển được không?”
Câu hỏi này như một lời đề nghị được tìm hiểu về môi trường làm việc và các đồng nghiệp của mình nếu như có cơ hội. Lời đề nghị ấy đã chứng tỏ rằng bạn không phải là người chỉ biết ngồi một chỗ và làm việc đơn lẻ, bạn đang rất quan tâm đến văn hóa của công ty và thể hiện được tinh thần teamwork của mình. Vậy nên đây hoàn toàn là một câu hỏi phù hợp nếu bạn vẫn còn đang băn khoăn rằng liệu mình có phù hợp với vị trí này không.
F: #6 – “Anh/ Chị thích nhất điều gì khi làm việc ở công ty này?”
Câu hỏi này được đặt ra hoàn toàn hợp lý bởi trước đấy khi phỏng vấn, chắc chắn bạn sẽ được hỏi: “Tại sao bạn lại mong muốn làm việc ở công ty này?”. Cách đặt câu hỏi ngược lại như vậy cho thấy tư duy phản biện trong suy nghĩ của bạn đồng thời bạn cũng sẽ nhận được những thông tin chân thực nhất về công ty, về con người đang làm việc tại đây. Và cũng tương tự với câu hỏi ở trên, bạn sẽ xác định được mình có thật sự thích hợp với môi trường này không.
Trên đây là một vài ví dụ điển hình về cách đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Bạn không nên áp dụng hoàn toàn mà chỉ nên tham khảo kết hợp với việc xem xét, cân nhắc đến các khía cạnh như thái độ người phỏng vấn, đặc điểm của từng công ty, vị trí mà bạn ứng tuyển để đưa ra những câu hỏi hợp lý nhất nhé. Chúc các bạn ứng tuyển thành công!
Discussion about this post