Nối tiếp phần 1, trong phần 2 này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các phương pháp phỏng vấn khác nhau.
III. Phân loại theo Phương pháp:
1. Phỏng vấn hành vi (Behavioral Interview)
Trong phỏng vấn hành vi, nhà tuyển dụng hỏi ứng viên về những tình huống công việc mà ứng viên đã trải qua trong quá khứ. Logic của phương thức phỏng vấn này nằm ở chỗ: hành vi trong quá khứ dự báo hành vi của ứng viên trong tương lai.
Nội dung câu hỏi (và cả câu trả lời) dựa trên cấu trúc S.T.A.R. Trong đó:
- S – Situation: Tình huống
- T – Task: Nhiệm vụ
- A – Action: Hành động
- R – Result: Kết quả
Hãy luôn cố gắng đưa ra câu trả lời rõ ràng theo cấu trúc trên.
Xem video sau để hiểu rõ hơn về phỏng vấn hành vi và cấu trúc S.T.A.R:
Một số ví dụ về câu hỏi phỏng vấn hành vi:
- Hãy kể lại một thời gian anh/chị đã làm việc hiệu quả dưới áp lực?
- Hãy kể lại một lần anh/chị mắc sai lầm trong công việc và cách anh/chị giải quyết sai lầm đó?
- Hãy kể lại một lần anh/chị có bất đồng trong công việc với đồng nghiệp?
2. Phỏng vấn tình huống (Situational Interview)
Trong phỏng vấn tình huống, ứng viên được yêu cầu giải quyết một bài toán/vấn đề cụ thể trong công việc. Phương thức phỏng vấn này sẽ khai thác được kỹ năng phân tích và xử lý vấn đề ở ứng viên.
Phỏng vấn tình huống khá tương đồng với phỏng vấn hành vi. Tuy nhiên, điểm khác biệt cơ bản giữa hai phương thức phỏng vấn này là thời gian của tình huống phỏng vấn:
- Phỏng vấn hành vi: thuật lại lại một tình huống trong quá khứ
- Phỏng vấn tình huống: yêu cầu giải quyết một tình huống giả định có thể xảy ra trong tương lai
Một ví dụ về câu hỏi phỏng vấn tình huống cho vị trí Quản lý Dịch vụ Khách hàng:
- Do trục trặc trong quá trình sản xuất, công ty không thể giao hàng đúng hẹn. Khách hàng rất không hài lòng và yêu cầu được bồi thường vì sai sót của công ty. Anh/chị sẽ xử lý như thế nào?
Trong thực tế, các cuộc phỏng vấn cho vị trí Management Consulting – Tư vấn Chiến lược nổi tiếng với phương thức phỏng vấn này. Tuy nhiên, phương thức này thường được biết đến với một tên gọi khác: Case Interview.
2.1. Case Interview
Cơ bản, Case Interview chính là Phỏng vấn Tình huống. Tuy nhiên, những tình huống được đưa ra có độ phức tạp cao hơn rất nhiều so với tình huống được lấy ví dụ về vị trí Quản lý Dịch vụ Khách hàng ở trên.
Những bài toán trong Case Interview là những ví dụ điển hình cho công việc hằng ngày của một nhà tư vấn chiến lược.
Độ khó của Case Interview còn được thể hiên qua việc: phương thức này thường được sử dụng cho cuộc phỏng vấn cuối cùng.
Nhiều công ty lớn như McKinsey&Company, Deloiite và BCG,… đều đang sử dụng phương thức phỏng vấn này.
Hi vọng rằng, qua bài viết này, bạn đã có được cái nhìn tổng quan và chính xác hơn về phỏng vấn tuyển dụng. Hãy tiếp tục theo dõi chuyên mục Kỹ năng của hrc.com.vn để đón đọc những bài viết dành riêng cho từng loại hình phỏng vấn trong thời gian tới.
Discussion about this post