Là sinh viên, ai cũng có những lần gặp trở ngại: chật vật với điểm số, xích mích từ thầy cô bạn bè, cãi nhau với người yêu. Nhưng trên hết, nỗi lo cơm áo gạo tiền đang dần đè nặng trên vai bạn. Chắc hẳn nỗi ám ảnh lớn nhất của phần đông sinh viên hiện nay không phải là không có người yêu, mà là không kiếm được việc làm. Thất bại ngay khi nộp CV, hay bị từ chối trong quá trình phỏng vấn đều khiến họ rơi vào trạng thái hụt hẫng, thất vọng, thậm chí nghi ngờ chính bản thân mình.
David Feherty – huyền thoại sân golf, từng 5 lần vô địch European Tour – đã nói như sau: “It’s how you deal with failure that determines how you achieve success.” Chính cách bạn đối mặt với những lần thất bại sẽ quyết định bạn có thành công hay không. Bạn không thể trốn tránh, vậy điều bạn nên làm là chọn một cách xử lý khôn ngoan. HRC sẽ chia sẻ một vài phương pháp giúp bạn thoát khỏi nỗi ám ảnh này:
1. Chấp nhận cảm xúc thực
Chắc hẳn bạn đã từng cực kỳ hào hứng khi phát hiện ra một công việc phù hợp. Bạn bắt đầu chuẩn bị và tự tin rằng mình sẽ là người được chọn. Nhưng sau khi nộp bản CV đã được bạn dồn hết tâm tư, đáp lại bạn là chiếc mail báo trượt ngắn gọn. Quá trình xin việc dần trở thành một nỗi ám ảnh khi bạn nhận cái lắc đầu từ chối của nhà tuyển dụng không chỉ một lần.
Không ai muốn gặp trở ngại, lại càng không muốn nói ra. Khi bạn vừa thất bại, lòng tự trọng của bạn sẽ tổn thương. Đôi khi một chút. Đôi khi rất nhiều.
Nhưng hãy để cho cảm xúc đến và đi. Đừng vì nó mà cố hạ thấp bản thân hay phản ứng tiêu cực bằng cách than vãn, đổ lỗi cho hoàn cảnh. Quan trọng nhất là đừng che giấu. Khi bạn chấp nhận những cảm xúc ấy, bạn có thời gian hồi phục và nó sẽ biến mất nhanh hơn. Nếu bạn cố lờ đi, sẽ đến lúc cảm xúc của bạn xuất hiện vào những thời điểm bất ngờ và làm bạn bùng nổ.
Thay vì cố giữ những tiêu cực cho riêng mình, hãy tìm cách giải phóng nó. Một trong những phương pháp hiệu quả nhất là tìm đến những người thân/người bạn. Họ không chỉ là nơi bạn có thể giải tỏa áp lực, mà cũng từ đó bạn sẽ có cách nhìn nhận vấn đề khách quan hơn từ một góc nhìn khác và qua một đôi mắt khác. Biết đâu người này có thể tìm ra một con đường mới cho bạn.
2. Bạn không phải là một sự “thất bại”
Theo tâm lý chung, một khi bắt đầu gặp trở ngại thì bạn dễ dàng sa vào suy nghĩ tiêu cực, rằng bạn sẽ luôn luôn thất bại trong lĩnh vực này. Khi bị từ chối nhiều hơn một lần, bạn sẽ có xu hướng so sánh với những ứng viên thành công khác và bắt đầu nghĩ rằng bạn thực sự là một thất bại.
Đáng tiếc thay, có nhiều người chìm sâu vào những huyễn hoặc ấy đến nỗi họ không thể thoát ra được. Khi cơ hội mới xuất hiện, họ chần chừ. Chỉ vì họ đã bị từ chối, họ tự xây dựng một tuyến phòng thủ thật kiên cố để tránh phải trải qua cảm giác thất bại. Cơ hội đến rồi lại đi. Do đó, hãy tự nhắc nhở bản thân rằng: chỉ vì bạn đã thất bại hôm nay hoặc hôm qua không có nghĩa là bạn sẽ thất bại trong lần tiếp theo.
Thất bại sẽ không kéo dài triền miên suốt quãng đời nếu bạn tiếp tục hành động và chịu khó học hỏi. Ngưng dán nhãn bản thân vì những suy nghĩ dù sâu xa nhất cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hành động của bạn. Trong chương trình America’s Next Top Model, siêu mẫu Tyra Banks đã từng huấn luyện cho thí sinh: “Fake it until you make it”. Câu nói này đã trở thành phương châm sống của nhiều người, đặc biệt là những người nổi tiếng ở các nước phương Tây và cũng được áp dụng trong mọi lĩnh vực. Nó chỉ ra sức ảnh hưởng mạnh mẽ của suy nghĩ nội tại, rằng cách chúng ta nhìn nhận bản thân thật sự quan trọng. Nếu có gặp thất bại, đừng ngại ngần thay đổi suy nghĩ theo cách của Tyra nhé!
3. Luôn học hỏi từ những lần vấp ngã
Bị từ chối là một điều gì đó xảy ra thường xuyên, lặp đi lặp lại và nó thậm chí tiếp tục xảy ra dù bạn có tiến xa được đến đâu đi chăng nữa. Hãy coi nó như một sự phản hồi có giá trị, một bài học để bạn nhìn nhận và cải thiện bản thân. Thất bại cũng là một kinh nghiệm quý báu nếu bạn biết cách tận dụng nó.
Cách đơn giản nhất và hữu ích nhất là tự đặt cho bản thân những câu hỏi theo chiều hướng tích cực (thay vì tự hành hạ bản thân bằng những suy nghĩ cực đoan). Những câu hỏi như:
- Tôi có thể học được điều gì từ kinh nghiệm này?
- Làm thế nào tôi có thể tránh bẫy này / phạm sai lầm tương tự?
- Làm cách nào để thể hiện tốt hơn trong lần tiếp theo?
Những sai sót mà các bạn thường gặp trong quá trình xin việc thường đến từ cách viết CV hay trong quá trình phỏng vấn. Nếu bạn nghĩ mình thất bại vì CV chưa đủ tốt, hay vì còn thiếu sót trong vòng phỏng vấn, HRC gợi ý cho bạn một số bài viết sau:
1. Tổng hợp cách viết một bản CV hoàn hảo
2. Những điều bạn cần lưu ý khi phỏng vấn
Tất nhiên mọi câu hỏi trên đều phục vụ cho vấn đề quan trọng nhất: tìm ra nguồn gốc của sự thất bại. Nguyên nhân bạn bị từ chối đến từ nhiều phía: có thể do bạn chưa đủ kinh nghiệm, chưa đáp ứng đúng tiêu chí của công việc; cũng có thể văn hóa công ty nơi bạn ứng tuyển cần những ứng viên phù hợp hơn.
Hãy dành thời gian với những câu hỏi này, và trung thực với chính mình khi bạn trả lời. Không nên vội vàng. Trong khi một số câu trả lời có thể giải quyết ngay lập tức, một số khác có thể mất một giờ, một ngày hoặc thậm chí một tuần. Phương pháp này sẽ giúp bạn đi sâu hơn để hiểu được bản thân, để nhìn nhận ra những sai sót cần khắc phục trước khi chinh phục một công việc mới.
Tạm kết
Vậy bạn phải làm gì khi bị từ chối? Làm sao để vượt qua nỗi sợ thất bại?
Hãy luôn nhắc nhở bản thân: bất cứ ai muốn làm những điều có giá trị trong cuộc sống sẽ trải qua thất bại.
Chúng ta thường được nghe về những thành tích vẻ vang của người khác. Nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Nếu bạn vẫn không tin, hãy thử xem huyền thoại làng bóng rổ thế giới – Michael Jordan – chia sẻ gì trong quá trình bước lên đỉnh cao sự nghiệp của ông: “Tôi đã bỏ lỡ hơn 9000 đường chuyền trong sự nghiệp của mình. Tôi đã thua trong hơn 300 trận đấu. 26 lần, tôi đã được tin tưởng để ghi bàn thắng nhưng lại bỏ lỡ cơ hội. Tôi đã thất bại hơn và hơn và hơn nữa trong cuộc sống của tôi. Và đó là lý do tôi thành công. ”
Hãy luôn nhớ rằng, khi bị từ chối, đó là dấu hiệu để bạn hành động.
Discussion about this post