[Job Insider]Chặng 1: Khởi động #1. Các kênh tuyển dụng không thể bỏ qua #2. Sinh viên ơi, các bạn đang thực sự cần gì ? #3. Đọc Job Description đúng cách Chặng 2: Vượt chướng ngại vật #4. Các bài viết hay nhất về cách viết CV và trả lời phỏng vấn #6. Muôn hình vạn trạng nhà tuyển dụng #7. Kinh nghiệm làm việc ? Thế nào là đủ ? Chặng 3: Về đích #8. Xin việc thất bại: Sinh viên nên đối mặt thế nào ? #9. Bí kíp giúp “lính” mới nhanh chóng hòa nhập với môi trường làm việc #10. Nghìn lẻ một chuyện “nhảy việc” và cách “nhảy việc” văn minh |
Gửi các em,
Anh là cựu sinh viên đại học Ngoại Thương, có lẽ chỉ hơn các em vài tuổi. Anh đã ra trường được vài năm và hiện đang có một công việc khá ổn định trong một công ty lớn. Khoảng thời gian này hình như là mùa tốt nghiệp em nhỉ, nhìn các em chụp kỉ yếu bên bạn bè, những gương mặt âu lo của các em vì chuyện trường lớp, những hoang mang mệt mỏi vì mãi chẳng tìm được việc theo đúng nguyện vọng, anh bỗng nhớ lại mình của trước đây. Câu chuyện tuổi trẻ anh sẽ kể sau đây, có thể các em sẽ thấy được hình bóng của mình trong đó.
Chỉ cần các em nhớ một điều rằng: Các em sẽ không bao giờ đơn độc một mình.
Những mộng tưởng tan biến…
Ngày cầm bằng tốt nghiệp loại giỏi trên tay, anh cứ ngỡ mình là người hạnh phúc nhất. Vậy là bao năm đèn sách miệt mài, anh cũng đạt được mong ước bấy lâu. Bằng giỏi đại học danh tiếng, 2 năm đầu tham gia câu lạc bộ tích cực, cũng từng trải qua vài công việc part-time theo đúng chuyên ngành, anh mạnh dạn rải CV của mình vào cơ số các công ty khác nhau với niềm tin vào viễn cảnh lương cao việc tốt đang chờ đón. Những tưởng cuộc đời sẽ ưu ái một tân cử nhân Ngoại Thương bằng giỏi, với nhiệt huyết và kiến thức dồi dào, nhưng sự thật vốn khác xa với những gì anh vẫn tưởng. Các công ty lớn từ chối anh vì sự non trẻ và thiếu kinh nghiệm, số khác chi trả anh mức lương bèo bọt vài đồng, thêm vào đó là phải làm những việc trái chuyên ngành, toàn những thứ mới toanh, không đúng đam mê và lĩnh vực anh yêu thích. Không chấp nhận thực tại, anh không hài lòng được với một công việc nào trong một thời gian khá dài. Ba tháng thất nghiệp – khoảng thời gian đó thật sự khó khăn đối với anh. Nhưng cùng với đó, theo thời gian, anh dần nhận thức được thực tế khốc liệt của thị trường tuyển dụng và đánh giá đúng hơn vị trí, khả năng của bản thân mình, rằng mình còn nhiều yếu kém và thiếu sót.
Làm việc…
Sau cùng, cũng là may mắn cho anh, nhờ sự tận dụng được các mối quan hệ, kiên trì làm đẹp cho CV và tích cực tìm việc, anh được nhận vào làm ở một công ty nhỏ, với công việc ở bộ phận marketing. Nghề marketing từ trước đến nay vẫn được coi là một nghề sáng tạo, nhưng chính sự sáng tạo ấy lại là áp lực lớn đối với anh khi đi làm. Những ngày đầu làm việc, anh thường xuyên bị thiếu ý tưởng, chậm deadline, những kế hoạch truyền thông anh đánh giá cao thì bị xem nhẹ và kèm theo đó là những lời chê trách bị thiếu năng lực và kiến thức chuyên môn. Anh rơi vào trạng thái stress cực độ. Trước khi đi thực tập, đối với công việc mình không cần cảm thấy trách nhiệm quá lớn lao, còn giờ đây khi công việc là đồng tiền bát gạo, mọi thứ trở nên rối hơn bao giờ hết. Ngày nào anh cũng đầu tắt mặt tối từ sáng tới khuya, tiền lương ít ỏi, không tụ tập, không bạn bè, có những lúc anh chỉ muốn bỏ quách công việc mà đi chỗ khác, nhưng nghĩ lại bỏ rồi thì tiền đâu mà ăn, mà trang trải hàng ngày, có phải sống cho mỗi mình mình nữa đâu mà làm bừa được mãi.
Nhận thức…
Nhưng em ạ, có những ngày đầu khó khăn như thế, con người ta mới học được cách trưởng thành. Sau thời gian dài áp lực và căng thẳng, anh nhận thấy nguyên nhân chính khiến anh chán nản công việc là ở bản thân anh đã suy nghĩ sai. Anh đã thích và lựa chọn Marketing vì hào quang của những người thành công trong nghề mang lại và cảm giác có gì đó hoành tráng hơn các công việc khác. Anh chưa hoàn toàn hiểu về nghề Marketing cũng như những khó khăn mà người làm trong nghề gặp phải. Và anh đã đặt kỳ vọng quá nhiều, cứ ngỡ đi làm rồi sẽ có tiền tiêu, sẽ có sếp tốt chỉ bảo tận tình, có đồng nghiệp chân tình để mình chia sẻ, nhưng tất cả những điều đó sẽ không đến nếu mình cứ mãi không chủ động trong công việc và nhìn nhận mọi thứ tích cực hơn.
Đổi thay …
Em ơi, đối với một người mới đi làm, điều quan trọng và trước nhất chính là bồi đắp lòng tin và tạo dựng được những mối quan hệ tốt với những người xung quanh. Trước khi bàn đến những công việc chuyên môn phức tạp thì ít nhất em hãy chứng tỏ mình là một người trẻ cầu tiến, cởi mở, biết lắng nghe và không ngại khó. Hãy học cách quan đến mọi người nhiều hơn và tinh tế trong từng hành động nhỏ:
Sếp mình thích loại trà nào ?
Chị trưởng phòng thích màu sắc trang trí ra sao ?
Đồng nghiệp xin nghỉ vì vấn đề cá nhân thì hỏi thăm như thế nào ?
Sẽ có rất rất nhiều thứ mình cần phải học trước cả công việc chuyên môn để biết đường quảng giao và thăng tiến.
Đối với công việc, nếu em cảm thấy mình bị stress quá nhiều, thì phần lớn là do bản thân em chưa đủ năng lực và cần cải thiện. Đừng vội thấy khó khăn đã nản lòng rồi cho rằng mình không hợp, đừng nhảy việc hết chỗ nọ đến chỗ kia mà hãy cho bản thân thêm thời gian để thích nghi và cố gắng. Khi cố gắng ở lại với công việc đã kể trên, anh không những hiểu ra được nhiều điều mà còn cảm thấy ngày càng gắn bó và yêu nghề hơn nữa. Thay vì lầm lũi đi về sớm hôm, anh đã chủ động kết thân và hòa đồng hơn với đồng nghiệp, anh chị, bạn bè. Anh đã cởi mở đề nghị được học hỏi và mạnh dạn nhận những dự án lớn hơn. Anh tinh tế hơn trong việc quan sát nét mặt và hành động của mọi người để biết cách cư xử sao cho phù hợp. Và dần dần khi tất cả những khó khăn ban đầu được hóa giải, anh lại thấy cuộc đời thật đáng sống và bình yên.
Discussion about this post