Bạn có nhớ mình đã bối rối bao nhiêu lần mỗi khi có ai đó hỏi về dự định nghề nghiệp của bạn trong tương lai không? Nếu lần ấy bạn mới chỉ là cậu bé cô bé 5 tuổi thì dù có hơi ngập ngừng một chút lúc ban đầu, bạn vẫn sẽ khẳng định được: “Sau này cháu muốn làm Giám đốc!”. Nhưng bây giờ, khi bạn đã 22 tuổi mà vẫn gãi đầu gãi tai không biết nên trả lời thế nào thì liệu đó có phải là vấn đề không?
Câu trả lời hóa ra lại là không. Thực tế là, bạn không đưa ra quyết định về sự nghiệp duy nhất một lần trong đời. Theo tờ Forbes, rất có thể là bạn sẽ trải qua từ 15 đến 20 công việc khác nhau trong suốt quãng đời của mình. Còn theo tờ Fast Company, trung bình cứ 4.4 năm bạn sẽ có 1 công việc mới. Vậy nên, đừng quá căng thẳng khi nghĩ đến việc mình sắp phải đi đến một trong những quyết định mang tính bước ngoặt của cuộc đời mà thay vào đó hãy bình tĩnh lắng nghe và từ từ trả lời 3 câu hỏi dưới đây để tìm ra hướng đi phù hợp nhất với mình, bạn nhé!
1. Công việc nào khiến bạn cảm thấy thực sự hứng thú? Và vì sao?
Hãy thử lấy một ví dụ như sau. Bạn nghĩ mình nên cân nhắc theo đuổi ngành tâm lý học bởi vì bạn thực sự ấn tượng với cách bộ não con người hoạt động. Nhưng khi nghĩ lại, bạn nhận thấy mình không hào hứng lắm với việc lắng nghe tâm sự của mọi người, trong khi phần lớn những người trong lĩnh vực này đều định hướng theo nghề bác sĩ tâm lý. Nhưng khi nghĩ tiếp lần nữa, bạn tìm ra được những điểm bạn đặc biệt yêu thích về bộ não con người – đó là cách bộ máy phức tạp, công phu ấy xử lý thông tin, tạo ra các mối liên kết và thiết lập kí ức thì boom! Ngành Marketing mới phù hợp với bạn hơn cả, bởi đây là ngành mà bạn sẽ phải hiểu rất rõ động lực tiềm ẩn trong não bộ khách hàng cũng như nắm bắt được insight của họ, để xây dựng nên những dự án xuất sắc giúp doanh nghiệp của mình bán được càng nhiều sản phẩm càng tốt.
Tóm lại, với mỗi sở thích hay đam mê, bạn hãy nghĩ về những lý do vì sao mình lại yêu thích lĩnh vực đó đến vậy, và từ đó đào sâu hơn nữa để tìm ra những điểm mấu chốt (pinpoint). Cụ thể hơn, sau khi trải qua một công việc liên quan đến ngành nghề đó, điều cần nhất bạn nên làm là tự nhìn lại mình (self-reflect), tự mình đặt liên tiếp các câu hỏi “Vì sao” và cũng tự mình trả lời cho tới khi tìm ra được gốc rễ của niềm yêu thích đó trong bạn. Việc này là đặc biệt quan trọng, bởi nếu bạn cứ thử và thử nhưng thiếu đi những khoảng thời gian dành để suy nghĩ nghiêm túc về những việc mình đang làm, thì bạn chỉ đang luẩn quẩn mãi mà không thể nào có được sự bứt phá mơ ước trong con đường sự nghiệp của mình.
2. Công việc trong mơ của bạn sẽ như thế nào?
Hãy nhắm mắt lại và thử tưởng tượng về công việc trong mơ của bạn trong một vài phút bằng cách trả lời một vài câu hỏi nhỏ sau đây. Bạn yêu thích một môi trường có tính kỉ luật cao hay một môi trường tự do và sáng tạo? Bạn muốn mặc suit hay jeans đi làm mỗi ngày? Bạn cảm thấy thoải mái khi làm việc trong văn phòng hay hứng thú với việc được đi đây đi đó để công tác?
Lúc trả lời những câu hỏi trên cũng là lúc bạn đang cân đo đong đếm và khoanh vùng một vài vị trí phù hợp với sở thích và cả khả năng của mình. Việc cân nhắc mọi mặt của một công việc như vậy sẽ giúp bạn rất nhiều trên con đường định hình nghề nghiệp tương lai của mình.
3. Công việc này sẽ “vừa vặn” như thế nào với cuộc đời của bạn?
Một lần nữa, hãy tưởng tượng cuộc đời bạn giống như một chiếc bánh xe và nếu các mặt của cuộc sống cân bằng nhau thì bánh xe mới hoạt động trơn tru và đi được lâu dài. Bạn cũng sẽ cảm thấy thỏa mãn và hài lòng hơn nếu bánh xe cuộc đời của mình tròn trịa. Điều này đặc biệt hữu ích mỗi khi bạn cân nhắc một bước chuyển trong sự nghiệp. Bởi bánh xe cuộc đời sẽ “tiên đoán” sự thay đổi ấy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các mặt khác cũng như tổng thể cuộc sống, từ đó giúp bạn đưa ra quyết định một cách lý trí hơn.
Khi đã có một vài ý tưởng nhất định (tuy là chưa thực sự chắc chắn và rất có thể sẽ còn thay đổi trong tương lai) cho những câu hỏi trên thì cũng là lúc bạn đã sẵn sàng hành động để nắm bắt cơ hội có được công việc phù hợp ngay trong hè này. Muốn biết cụ thể nên hành động như thế nào thì hãy đón đọc những bài viết tiếp theo trong chuỗi bài của campaign “Hè này có việc” trên HRC.com.vn nhé!
Discussion about this post