Trong thị trường tuyển dụng cạnh tranh khốc liệt hiện nay, không dễ để có thể kiếm được việc làm. Chính vì vậy, quyết định bỏ việc cũng chưa bao giờ là đơn giản. Tuy nhiên, vì lý do này hay lý do khác, sẽ có lúc bạn không muốn tiếp tục với công việc hiện tại của mình.
“Có nên nghỉ việc hay không?”. Không có câu trả lời chính xác cho tất cả, nhưng những ý kiến dưới đây đều rất đáng cân nhắc khi bạn cần đưa ra quyết định quan trọng với sự nghiệp của mình.
Table of Contents
Trả Lời:
CÓ THỂ Nếu: Bạn Đã Xây Dựng Được Nhiều Mối Quan Hệ Trong Công Việc

“Thứ nhất quan hệ
Thứ nhì tiền tệ
Thứ ba hậu duệ
Thứ tư trí tuệ”
Một câu vè nói về hiện tượng tiêu cực trong công tác đề bạt, bổ nhiệm, tuyển chọn cán bộ trong xã hội. Câu vè chỉ mang tính mỉa mai châm biếm với một số những trường hợp cá biệt. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, những mối quan hệ sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong quá trình tìm việc nói riêng và cả trong cuộc sống nói chung.
Chớ hiểu sự giúp ích của những mối quan hệ theo nghĩa tiêu cực. Quan hệ rộng cho bạn nhiều lợi thế cạnh tranh: bạn biết trước/sớm những cơ hội việc làm (có không ít những vị trí không được tuyển dụng công khai mà chỉ qua nguồn giới thiệu của nhân sự trong công ty); bạn được chia sẻ kinh nghiệm (rất quan trọng và quý giá); bạn được tìm hiểu rõ hơn về vị trí mà bạn ứng tuyển, về công ty mà bạn quan tâm qua những nguồn tin nội bộ,…
KHÔNG Nếu: Bạn Chưa Xây Dựng Được Nhiều Mối Quan Hệ
Lợi ích rõ ràng của việc quan hệ rộng đã được đề cập ở trên. Và hẳn nhiên, nếu bạn còn chưa xây dựng được một mạng lưới quan hệ tốt, bạn đã rất thiệt thòi. Bắt đầu bây giờ là chưa muộn. Tuy nhiên, chỉ bắt đầu khi đã nghỉ việc thì không phải một lựa chọn khôn ngoan. Sẽ không được tự nhiên và tế nhị cho lắm nếu bạn đề cập tới công việc ngay từ những lần nói chuyện đầu tiên.
CÓ THỂ Nếu: Bạn Đã Tiết Kiệm Dự Phòng
Cho dù bạn nhảy việc (có ngay công việc mới), chuẩn bị một khoản tiền dự phòng chắc chắn không phải “lo bò trắng răng”. Cho đến khi chính thức nhận được khoản lương đầu tiên của công việc mới, không có gì đảm bảo bạn sẽ có tiền ngay sau tháng đầu tiên.
Và đương nhiên, nếu bạn còn chưa chắc chắn tìm được công việc tiếp theo, hãy đảm bảo rằng cuộc sống của bạn không quá khó khăn ít nhất cho tới khi bạn tìm được công việc tiếp theo (và nhận được lương).
KHÔNG Nếu: Bạn Chưa Có (Đủ) Ngân Sách Dự Phòng

Chắc hẳn bạn không muốn có những trải nghiệm khó khăn về tài chính. Hơn nữa, để thay đổi thói quen chi tiêu từ trạng thái có-thu-nhập sang tạm-thời-không-làm-ra-tiền không phải dễ dàng. Vay mượn chưa bao giờ là ý hay, cho dù là từ người thân hay bạn bè. Và sống dựa vào gia đình thì càng là ý tệ. Bố mẹ đã nuôi bạn 2 chục năm, và có lẽ bạn không muốn có một vé trở về tuổi thơ nữa.
CÓ THỂ Nếu: Công Việc Hiện Tại Ảnh Hưởng Nghiêm Trọng Tới Sức Khỏe Của Bạn
“Sức khỏe là vàng”. Cố thêm một tháng thì số lương cũng chưa chắc đã đủ để bù lại số vàng bạn mất. Đừng cố đấm ăn xôi nếu thể trạng của bạn rất yếu nhưng công việc thường xuyên yêu cầu thức đêm, di chuyển xa nhiều,… Đó chỉ là một ví dụ. Hãy luôn lắng nghe cơ thể mình và chắc chắn rằng tâm trí của bạn biết rõ điểm dừng của sức khỏe.
KHÔNG Nếu: Công Việc Hiện Tại Là Một Nấc Thang Trong Sự Nghiệp Của Bạn
Hãy phân biệt “nghề” và “nghiệp”. Nếu bạn đã xác định được cho mình một sự nghiệp để theo đuổi, và công việc hiện tại là một phần trong đó, đừng vội vàng nghỉ việc vì những lý do không đáng, ví dụ như một công việc với mức lương hậu hĩnh hơn (nhưng không thuộc lộ trình phát triển của bạn),… Hãy suy nghĩ về lý do bạn bắt đầu công việc hiện thời. Đừng vì cái lợi trước mắt mà quên đi mục đích dài lâu.
CÓ THỂ Nếu: Bạn Đã Cố Gắng Hết Sức
Bạn đã cố gắng hết sức để khắc phục những khó khăn trong công việc, nhưng vẫn chẳng hề có tiến triển.
Có ý kiến: “Nhiều người cho rằng họ đã cố gắng hết sức nhưng thực tế là họ chưa”. Làm sao để biết bạn đã cố gắng hết sức? Không có một câu trả lời chính xác cho mọi cá nhân và mọi trường hợp. Sức cố gắng cũng không phải là một thứ thích hợp để lượng hóa và đo lường chính xác xem đã hết thực sự hay chưa. Một gợi ý cho bạn: hãy quay trở lại với bài toán được – mất. Cân nhắc xem sự cố gắng của bạn có đáng với những gì bạn thu lại được hay không.
KHÔNG Nếu: Bạn Chưa (Thực Sự) Cố Gắng

Sự hoàn hảo có tồn tại hay không? HRC không rõ. Nhưng nếu chỉ xét đến khuôn khổ những môi trường làm việc, thì chắc chắn là không. Không nhiều thì ít, sẽ luôn hiện hữu những yếu tố khiến bạn không mấy dễ chịu: sếp quá kỹ tính, đồng nghiệp ồn ào, không gian làm việc chật chội,… Nếu bạn nghỉ việc, thì bản chất là bạn đang tìm đến phương án nhanh gọn nhất để thoát khỏi những phiền toái kia. Nhưng phương án nhanh gọn nhất không phải luôn là phương án tốt nhất.
Bạn đã thử nói chuyện với Phòng Nhân sự chưa? Hay thậm chí là thẳng thắn nói chuyện với sếp và đồng nghiệp? Hoặc nếu bạn ngại, hãy đeo tai nghe khi làm việc … Tóm lại, bạn đã cố gắng tìm những cách khắc phục tích cực hơn là nghỉ việc hay chưa?
Nghỉ việc không phải là một quyết định nên được đưa ra vội vàng. Nếu bạn còn chưa chắc chắn, hãy thử cân nhắc về những câu trả lời trên và xác định cho bản thân mình những chữ “Có” và “Không” phù hợp nhất.
Discussion about this post