Ở bài viết trước HRC đã chia sẻ 2 bí kíp để bạn có thể trở thành một leader thực thụ (xem chi tiết bài viết trước tại đây). Bài viết lần này sẽ tiếp tục cho bạn một góc nhìn mới về kĩ năng tưởng chừng quá quen thuộc này bằng những chia sẻ quý báu của chuyên gia tư vấn và đào tạo bán hàng Đỗ Xuân Tùng. Mời các bạn đón đọc.
Leadership không nhất thiết phải là trong công việc, mà có thể trong hoạt động cá nhân hàng ngày
Tôi không bao giờ quên những ngày tháng được thầy dạy võ của tôi huấn luyện. Cái giỏi của ông là luôn biết tới ngưỡng nào thì tôi nản và luôn thúc tôi vượt qua cái ngưỡng đó. Ông khiến tôi nỗ lực kéo dài và liên tục, để sau đó hình thành tính cách chứ không dừng ở huấn luyện kỹ năng. Khi tôi nản vì quá nhiều chấn thương trong lúc tập hay đấu luyện, ông chỉ cười ngạo nghễ và cho tôi biết những khó khăn mà ông đã vượt qua ở tuổi của tôi. Nghe xong tôi lại muốn tiếp tục đứng dậy mà tập tiếp.
Về hoạt động cá nhân này, cách chọn nhân sự của các tập đoàn lớn của Mỹ luôn khiến chúng ta phải ngả mũ kính phục! Khi tuyển một nhân sự cấp cao vào tổ chức, họ chọn người tiềm năng, nghĩa là không phải những người đã có khả năng rồi mà là những người có thể được huấn luyện để trở thành tốt hơn.
Do có thể đối tượng trước đó thiếu kinh nghiệm làm việc, cái họ kiểm tra không bao giờ là trong công việc cả. Họ sẽ kiểm tra đối tượng trong bối cảnh cuộc sống của họ, cách họ đối mặt và xử lý các vấn đề của những người có liên quan tới hành vi của họ.
Ví dụ, nếu đó là một cậu con trai út, ít tuổi trong một đại gia đình nhiều thế hệ, nặng nề về tính gia trưởng, mà khi vào việc quan trọng với gia đình, họ tộc mà cậu đó ứng xử khéo léo, vẫn tôn trọng các bậc trưởng thượng mà vẫn đạt được mục tiêu của mình đề ra ban đầu thì đó là người có khả năng gây ảnh hưởng tốt đồng nghĩa với có leadership tốt.
Leadership không phải chỉ dành cho người trên áp cho người dưới mà còn là dành cho người dưới áp ngược lại với người trên
Lãnh đạo của một tập đoàn lớn từng nói: “Nếu không bị ép, tôi cũng chả làm”. Có ai nghĩ xa hơn là ai ép ông ấy không? Hiển nhiên là cổ đông, đối tác và tất nhiên không thể thiếu chính là nhân viên cấp dưới. Do vậy, lãnh đạo giỏi là người tạo ra cơ chế để nhân viên được phép ép ngược lại mình, có vậy tổ chức và công ty mới phát triển.
Leadership có thể được học, vì vậy nó có thể mất đi, như khi anh chị mất một kỹ năng vốn đã nhuần nhuyễn. Để duy trì được nó, chỉ còn một cách duy nhất, đó là luyện nó hàng ngày và không để nó mai một.
Leadership là tính cách, nhưng không ai học được tính cách cả nếu không được ngấm nó qua các hành động. Do vậy, nếu chúng ta tạo ra được bối cảnh khiến mình phải hành động, thì sau đó tính leadership sẽ ngấm triệt để vào chúng ta.
Leadership là tạo thành khuôn phép của chính chúng ta trong cuộc sống!
Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Discussion about this post